[Xã hội-Nhân dân] - Nhớ lời dặn dò của anh Tô

Nhân kỷ niệm lần thứ 108 ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc gần gũi của Bác Hồ (1-3-1906 - 1-3-2014), người lãnh đạo tài ba, nhà văn hóa lớn của nước nhà, người anh gần gũi các nhà văn, nhà báo Việt Nam, xin kể lại một vài kỷ niệm nhỏ với anh.


Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm nông dân huyện Đan Phượng, Hà Tây (1971).


Nhớ lại, cuối tháng Chạp năm 1980, mấy anh em nhà báo chúng tôi sau mấy ngày công tác ở cơ sở, rời Đoàn Xá (Hải Phòng), về thành phố, trong lòng bức xúc chuyện cán bộ xã và hợp tác xã đang bị đe dọa kỷ luật. Về đến nơi, được biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng (mà chúng tôi hay gọi thân mật là anh Tô) đang có mặt ở đây. Lê Điền và tôi cùng một số nhà báo ngỏ ý muốn đến thăm anh, trong thâm tâm nếu thuận lợi sẽ trình bày với anh tình hình cán bộ cơ sở bị đe dọa kỷ luật về tội “phá rào” khoán nông nghiệp, mong anh tháo gỡ. Thật ra gặp Thủ tướng không dễ tuy rằng biết anh rất quý các nhà văn, nhà báo nhưng dù sao cũng hy vọng cho dù mong manh. Nhưng chỉ một lúc sau Văn phòng Thành ủy báo tin anh Tô mời đến chơi. Từ “mời” chắc là lời nói thường rất lịch sự của nhà văn hóa Phạm Văn Đồng mà anh văn phòng truyền đạt lại với mấy anh nhà báo “tép riu” chúng tôi.

Ăn cơm chiều ở nhà khách thành phố xong, chúng tôi đạp xe đến Nhà khách số 2 Bến Bính nơi anh hẹn gặp.

Khi gặp chắc anh không biết hết chúng tôi cho nên từng người tự giới thiệu tên và cơ quan công tác. Nghe xong, anh nói: “Đọc Báo Nhân Dân và Đại Đoàn Kết thấy các đồng chí đều là những nhà báo xông xáo. Nhưng các đồng chí đang làm gì?”. Anh Lê Điền thưa: “Báo cáo đồng chí chúng tôi đi thực tế”. Anh cười thoải mái rồi nói: “Nhà báo phải dùng từ cho chính xác, tôi sửa một từ được không. Các đồng chí thường nói “đi thực tế”, nhưng nên nói đi vào đời sống đúng hơn. Cũng không hoàn toàn đúng vì, phải sống trong thực tiễn để hiểu đầy đủ thực tiễn, đời sống mà viết! “Đi” là từ ngoài vào, còn “sống” là ở trong lòng đời sống mà quan sát”.

Nghe anh nói thế, chúng tôi lại nhớ sách “Xây dựng nền văn hóa văn nghệ ngang tầm vóc dân tộc ta, thời đại ta” của anh xuất bản cách đây vài năm mà chúng tôi đã đọc rất kỹ. Trong đó anh nhắc các nhà văn, nhà báo phải có vốn sống phong phú, coi “vốn sống như cơm bữa” của người viết, do đó phải được bồi đắp hằng ngày. Vốn sống của mỗi người là sự cảm thụ trực tiếp với con người và xã hội khi sống trong thực tiễn và anh dặn “phải sống sâu sắc một cuộc sống nào đó” để viết... Từ lời khuyên của anh chúng tôi luôn tìm vốn sống trong thực tiễn, và nhân bài học từ anh, tôi tự tổng kết đời làm báo của mình bằng 5 chữ S nghĩa là phải “Sống sâu sắc, say sưa” với sự nghiệp của đất nước và nhân dân để viết.

Trong câu chuyện tối hôm đó, anh còn hỏi: “Các đồng chí vừa đi đâu về?”. Tôi thưa với anh: “Chúng em vừa từ Đoàn Xá nơi “khoán chui” về”. Cũng định trình bày với anh tình hình ở đây như dự kiến ban đầu nhưng cũng không dám nói vì sợ làm phiền anh, nhưng có vẻ anh cũng đã biết. Anh lại nói với chúng tôi về ý kiến của Gớt, đại văn hào Đức nhấn mạnh
“... Cây đời mãi xanh tươi” nhưng muốn tới cái mới, sự xanh tươi phải từ cuộc sống. Rồi anh nói: “Thấy được cái mới là điều khó. Vì cái mới rất mới, có cái đương hiện ra, chưa hình thành, mới chỉ là cái nụ; có khi chỉ là cái mầm non, nhưng dồi dào nhựa sống và sức mạnh, nhất định sẽ vươn lên và chiến thắng”. Nghe anh nói thế chúng tôi cảm thấy như anh biết rõ chuyện ở Đoàn Xá và ý muốn cổ vũ chúng tôi ủng hộ “cái nụ, cái mầm” Đoàn Xá. Và chúng tôi đã làm theo ý anh, ủng hộ các nhân tố mới thực hiện đổi mới trong nông nghiệp vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Trong cuộc đời làm báo và công tác, tôi còn có dịp nhiều lần gặp anh. Khi tôi là Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương có lần anh gọi đến báo cáo và trao đổi ý kiến mấy tiếng đồng hồ về xây dựng Đảng mà anh rất quan tâm khi mắt anh không còn nhìn thấy gì, có buổi ở Tam Đảo, có buổi tại nhà anh ở Phủ Chủ tịch.

Tôi biết rằng anh còn gặp một số đồng chí khác để nghe và trao đổi ý kiến về vấn đề hệ trọng này, sau đó anh gửi thư góp ý rất tâm huyết và sâu sắc với Hội nghị Trung ương thứ 6 (lần 2) khóa VIII về những vấn đề cấp bách và cơ bản trong xây dựng Đảng mà tôi lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng nên được đọc. Sau đó vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ 19-5-1999, anh công khai một phần trên Báo Nhân Dân trong đó có những nhận xét rất thẳng thắn như:

“Nhiều người trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hóa biến chất, chạy theo chức quyền, tiền và danh lợi. Những người đó đang làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ngày càng giảm lòng tin vào Đảng ta, đưa đến tình hình nguy kịch, không thể coi thường là sự hội nhập của “bốn nguy cơ” tác động lẫn nhau và phá ta, có thể đưa đến sự mất còn của chế độ và sự nghiệp cách mạng của chúng ta”.

Bây giờ đọc lại những dòng này thấy rõ sự cảnh báo của đồng chí Phạm Văn Đồng rất sớm về tình trạng “văn hóa chính trị” xuống cấp nghiêm trọng là những nguy cơ rất lớn.

Sự nghiệp về văn hóa của Nhà văn hóa Phạm Văn Đồng có nhiều mặt, tôi chỉ xin kể một số kỷ niệm sâu sắc những gì chứng kiến coi như bài học lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng và viết báo của mình.

Anh nhắc các nhà văn, nhà báo phải có vốn sống phong phú, coi “vốn sống như cơm bữa” của người viết, do đó phải được bồi đắp hằng ngày.

HỮU THỌ

[Xã hội-Nhân dân] - Chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, phát triển

Đứng bên này con suối Pắc Kết hiền hòa chảy giữa thôn Cúc Phương (xã Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai) và tổ Tam Bình Bá, thôn Bảo Long (thị trấn Nam Khê, Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc), đôi mắt thượng tá Hán Đức Dương, chính trị viên Đồn biên phòng Bản Lầu lấp lánh niềm vui: “Nhà báo có cảm nhận điều gì khác biệt không? Những làn khói lam lan tỏa trong ráng chiều, tiếng gió vi vu trên những rặng tre, tiếng suối chảy róc rách, những đứa trẻ hai nước tắm chung trên dòng suối. Tinh mơ, tiếng gà báo sáng không phân biệt được gà bên bạn hay bên mình, càng thấm thía việc duy trì hòa bình, ổn định và trật tự hai bên biên giới không chỉ là vấn đề riêng của bạn hay ta”.


Biên phòng hai nước nhắc nhở người dân không chăn thả gia súc sang bên kia biên giới.


Hợp tác chân thành, hiểu biết lẫn nhau

Hai ngày “ba cùng” với cán bộ, chiến sĩ đồn Bản Lầu, chúng tôi cảm nhận niềm vui, tự hào bởi những nỗ lực của các anh không chỉ góp phần khởi sắc diện mạo kinh tế- xã hội địa phương mà còn gặt hái được nhiều thành quả từ các hoạt động ngoại giao biên phòng. Bản Lầu là đồn biên phòng đầu tiên cả nước vinh dự thực hiện quy chế tuần tra song phương (TTSP) và cũng là đồn sớm nhất trên tuyến biên giới Việt-Trung kết nghĩa với tiểu đoàn biên phòng Nam Khê (Trung Quốc). Rồi nữa, sự kiện kết nghĩa “bản- bản” lần đầu trên biên giới Việt- Trung giữa thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá, địa bàn đồn đứng chân, có sự đóng góp lớn của biên phòng Bản Lầu, đánh dấu bước ngoặt trong công tác đối ngoại của cư dân hai bên biên giới.

Với hơn 184 km đường biên giáp tỉnh Vân Nam nước bạn, bọn tội phạm lợi dụng triệt để đặc thù địa hình hiểm trở nơi thâm sơn cùng cốc để buôn người, thẩm lậu ma túy, vũ khí, buôn lậu... TTSP là sáng kiến của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và phối hợp giải quyết tốt các vấn đề xảy ra liên quan đến hai bên biên giới. Đại tá Bùi Đức Hạnh, Chỉ huy trưởng BĐBP Lào Cai phấn chấn khẳng định, giải pháp này vừa đúng và trúng, giúp bảo vệ chủ quyền, quản lý biên giới thuận lợi. Đúng vậy, nếu hai bên không có phối hợp, hay phối hợp mà không hiểu nhau, thì khó khăn cho ngăn chặn sự xâm phạm, chứ chưa nói đến củng cố và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị. Và đã thành lệ, định kỳ mỗi tháng một ngày, các đồn biên phòng phối hợp phía bạn TTSP theo hình thức luân phiên, kết thúc mỗi buổi cùng nhau rút kinh nghiệm, đề ra chủ trương và thống nhất về thời gian, quân số cho lần tuần tra tới.

Sở dĩ TTSP được nhân rộng, nay đã triển khai tại 5/7 tỉnh biên giới Việt-Trung bởi hiệu quả thiết thực, mà điển hình là nhiều vụ việc xảy ra nhanh chóng giải quyết ổn thỏa, các vi phạm của cư dân hai bên biên giới được xử lý ngay từ cấp cơ sở. Nếu như trước đây, những sự vụ “nho nhỏ” như vượt biên trái phép, quá canh, chăn thả gia súc sang đất bạn, xâm hại cột mốc, xây kè, đổ đất đá ra sông biên giới ảnh hưởng đến dòng chảy...âm ỉ lâu ngày trở thành chuyện lớn, nay được giải quyết ngay tại thực địa, khắc phục tình trạng “bé xé ra to”, mất nhiều thời gian báo cáo cũng như tiến hành các thủ tục hành chính. Cách xử lý “có tình, có lý” khiến bà con “tâm phục, khẩu phục”. Chuyện là, một hộ dân giáp biên trồng cây trên đường thông tầm biên giới hai nước, phía bạn phản ánh, biên phòng hai nước cùng ra thực địa kiểm tra. Mặc dù xác định rõ vi phạm, nhưng cây sắp đến ngày thu hoạch nên hai bên thống nhất phương án tạo điều kiện để hộ dân thu hoạch xong rồi trả lại ngay nguyên trạng. Bằng phương châm “dắt tay chỉ việc”, người dân được lực lượng tuần tra mời ra tận nơi phân tích, giáo dục nhắc nhở đã nhận thức rõ khuyết điểm, nhanh chóng khắc phục. Ý thức chấp hành tốt hơn, vi phạm giảm rõ rệt.

Và cũng nhờ TTSP làm “cầu nối”, biên phòng hai nước thêm gần gũi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhiều hơn, kịp thời hơn. Các vụ việc được hai bên thảo luận, trao đổi và xử lý trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Minh chứng lần phối hợp đồn Mường Khương TTSP nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời nguy cơ cháy rừng khi phát hiện người dân thôn Séo Tủng, xã Tung Chung Phố (Mường Khương, Lào Cai) phát cỏ gần đường biên giới và đốt, Thiếu tá Chu Lý Bân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Biên phòng Kiều Đầu, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhấn mạnh vai trò quan trọng của TTSP góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới.

Phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn, bọn tội phạm dù có “cao bay xa chạy” cũng không thể thoát thân. Thượng tá Trần Ngọc Đính, Chính trị viên đồn cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, đơn vị kết nghĩa “đồn - trạm hữu nghị, cửa khẩu hài hòa” với Trạm kiểm soát biên phòng Hà Khẩu (Trung Quốc) hồ hởi “khoe” thành tích: năm qua, phía bạn giải cứu, trao trả 71 nạn nhân và 73 đối tượng buôn người, còn đồn bàn giao cho phía bạn 65 đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Có mô hình kết nghĩa “đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên”, thông tin nghiệp vụ trao đổi sâu hơn, nhanh hơn, nhiều đường dây tội phạm xuyên quốc gia được bóc gỡ triệt để.

Dân yên, biên giới vững

Gần một năm qua, nhưng Lễ kết nghĩa bản - bản đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung giữa thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương và tổ Tam Bình Bá để lại dấu ấn sâu đậm với cư dân bản địa. Ông Thào Dìn bộc bạch, bà con thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá cùng là người dân tộc Mông, từ truyền thống lâu đời của nhân dân hai nước, đã đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và bảo vệ đường biên giới; sau khi kết nghĩa càng thêm thân thiện, gắn bó, cùng nhau giữ gìn an ninh thôn bản, chấp hành nghiêm pháp luật hai nước, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, phát triển. Mừng vui không kém, ông Vương Chính Phúc, Tổ trưởng tổ Tam Bình Bá chia sẻ, sẽ tích cực tuyên truyền cho bà con tiếp tục phát huy mối đoàn kết; thường xuyên giao lưu, động viên thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau, không phụ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo hai bên.

Không chỉ riêng Bản Lầu, mô hình “cụm dân cư hai bên biên giới chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển” đã khiến bức tranh kinh tế nhiều thôn, bản “thay da đổi thịt”. Tận dụng lợi thế vườn rừng, nắm bắt cơ hội chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhiều hộ dân Bản Lầu đã vươn lên thoát nghèo. Với hai vạn gốc chuối và mía hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, gia đình ông Thào Dìn trở thành điển hình làm kinh tế giỏi để bà con học tập. Phong trào “Tự quản đường biên, cột mốc” cũng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút gần bốn nghìn hộ dân phát huy tinh thần làm chủ, tích cực tự giác đăng ký tham gia. Bồi dưỡng đội ngũ già làng, trưởng bản làm nòng cốt, tăng cường tuyên truyền cho các tổ, các hộ gia đình về luật biên giới quốc gia, quy chế biên giới...; hướng dẫn cách thức xử trí trong một số tình huống thường gặp, và báo tin kịp thời cho BĐBP khi phát hiện vi phạm... đã giúp mỗi người dân thật sự là một “chiến sĩ biên phòng tình nguyện”, sát cánh cùng BĐBP ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, giữ gìn bình yên nơi phên dậu Tổ quốc.

Nếu như trước đây, những sự vụ “nho nhỏ” âm ỉ lâu ngày trở thành chuyện lớn, nay được giải quyết ngay tại thực địa, khắc phục tình trạng “bé xé ra to”, mất nhiều thời gian báo cáo cũng như tiến hành các thủ tục hành chính.

THANH HÀ - PHAN ANH

[Xã hội-Nhân dân] - Nhận thức đúng về vai trò của động vật trong phát triển bền vững

NDĐT - Mục đích trên cũng là nội dung hội thảo “Vai trò của phúc lợi động vật trong phát triển bền vững ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổ chức bảo vệ động vật thế giới (WSPA) tổ chức tại Hà Nội ngày 19-3.


Trong hệ sinh thái tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội, động vật đóng một vai trò quan trọng, có tác dụng cân bằng sinh thái và là nguồn lương thực, thực phẩm cho đời sống con người. Tùy đặc tính từng loài động vật mà mức độ ảnh hưởng trên có sự khác nhau nhưng xét về tổng thể, vai trò hay nói đúng hơn là quyền lợi của động vật cần được nhìn nhận, đánh giá đúng trong phát triển bền vững ở Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có đại diện nhiều cơ quan chức năng như Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện quản lý kinh tế trung ương, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Các vấn đề bảo vệ môi trường (trong đó có quyền lợi động vật) được Liên Hợp quốc quan tâm và cân nhắc phương án xây dựng khung phát triển sau năm 2015 với các nội dung chính là nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng, hạn hán, sa mạc hóa và suy thoái, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong các nội dung trên, có thể thấy cần phải bảo vệ quyền lợi của động vật để bảo đảm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng…

Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 3-6-2013 “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước về Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích vai trò của động vật (bao gồm động vật hoang dã và động vật nuôi) với các ý kiến đa dạng đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học. Động vật cần được quan tâm và đánh giá đúng vai trò trong hệ sinh thái và trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, bảo đảm giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Kết luận Hội thảo, PGS,TS Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, khẳng định đây chỉ là bước mở đầu và cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá để nâng cao nhận thức về quyền lợi của động vật trong phát triển bền vững ở Việt Nam, thiết thực thúc đẩy việc thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển bền vững ở Việt Nam.

BẢO TỒN

[Thế giới-Pháp luật TPHCM] - 18 nước tập trận ở biển Đông

Bộ Ngoại giao Philippines lên án hành vi quấy rối của tàu Trung Quốc.

Báo Jakarta Post (Indonesia) đưa tin ngày 29-3, lực lượng hải quân và tàu chiến từ 18 quốc gia đã hội tụ tại vịnh Batam (Indonesia) để dự lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Komodo 2014. Tập trận diễn ra từ ngày 29-3 đến 3-4 tại vịnh Batam, quần đảo Natuna và quần đảo Anambas của Indonesia.

Tham dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Các vấn đề an ninh, pháp lý và chính trị Indonesia Djoko Suyanto, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro, tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia và đại sứ các nước tham gia tập trận.

18 nước với 4.885 binh sĩ tham gia tập trận gồm Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 10 nước ASEAN. Liên minh châu Âu, Hà Lan và LHQ cử quan sát viên. Úc dự kiến gửi tàu chiến tham gia nhưng cuối cùng chỉ cử quan sát viên.




Lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Komodo tại Batam ngày 29-3. Ảnh: POSMETROBATAM

Chủ đề chính của cuộc tập trận năm nay là hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Đây là lần đầu tiên cuộc tập trận như thế diễn ra tại Indonesia với mục tiêu thiết lập các tiêu chuẩn về phản ứng trước thảm họa trên đất liền, trên biển và trên không. Đây cũng là lần đầu tiên các nước lớn tại Thái Bình Dương tham gia tập trận nhằm tăng cường hợp tác hải quân.

Indonesia điều động 27 tàu chiến, hai máy bay, bốn trực thăng, hai tàu tuần duyên và một tàu của cơ quan dầu khí Indonesia SKK Migas. Mỹ cử tàu chiến USNS Cesar Chavez. Nga điều động tàu chiến Marshal Shaposnikov.

Chuyên gia Ristian Atriandi Supriyanto ở ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) ghi nhận cuộc tập trận Komodo 2014 thể hiện vai trò ngày càng lớn của hải quân Indonesia trong công tác ngoại giao hải quân quốc tế. Ngoài ra, cuộc tập trận cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của biển Đông trong tính toán địa-chiến lược của Indonesia.

Mặc dù Indonesia tuyên bố không tranh chấp ở biển Đông nhưng đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ ra ở biển Đông nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia. Ngư dân Trung Quốc đã từng tiến vào quần đảo Natuna dẫn đến va chạm thường xuyên giữa cơ quan hàng hải hai nước.

Liên quan đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông, hãng tin GMA News (Philippines) đưa tin hôm 28-3, phát biểu tại Berlin (Đức) trong chuyến công du tại Đức, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ không hành động gây hấn liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông nhưng sẽ quyết tâm bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh tại khu vực này.

Trong khi đó, đài truyền hình ABS-CBN (Philippines) đưa tin ngày 29-3, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố lên án hành vi quấy rối của tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động đe dọa an ninh đối với Philippines.

Trước đó, trong khi một tàu chính phủ Philippines đang chở binh sĩ và đồ tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên chiếc tàu hải quân cũ ở bãi cạn Ayungin, hai tàu tuần tra cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện.

Một chiếc chạy lên phía trước tàu Philippines chặn đường và yêu cầu tàu Philippines rời khỏi khu vực. Cuối cùng tàu Philippines đã chạy vào khu vực nước nông để tránh tàu Trung Quốc. Các phóng viên Philippines và nước ngoài đi trên tàu chính phủ Philippines đã chứng kiến sự việc.

Đầu tháng 3, các tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã từng xua đuổi hai tàu Philippines ở bãi cạn Ayungin.

DUY KHANG - LÊ LINH


[Thế giới-Petrotimes] - Bài cuối: "Đại chiến châu Âu" ở Crimea và Sevastopol

(PetroTimes) - Crimea (Crưm) và Sevastopol đã về với nước Nga sau cuộc trưng cầu dân ý trong tháng 3/2014. Người ta vẫn gọi đây là sự "trở về với đất mẹ", vì trong lịch sử, vùng đất này là của nước Nga, của người Nga. Đã có lúc đại chiến châu Âu diễn ra ở Crimea. Có thể nói Crimea là một phần lịch sử của nước Nga. Đó là lý do vì sao Nga đã không từ bỏ cơ hội của mình để đưa vùng đất này từ Ukraine quay trở về.

Chiến trường biển Ban Tích

Những trận đánh ở Krym được nói đến nhiều, trong khi chiến cuộc trên biển Ban Tích thường ít được nhắc tới mặc dầu xảy ra gần thủ đô Nga Sankt Peterburg. Lúc đầu các phe tham chiến bị lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Hải quân Nga tuy kém lực lượng nhưng lại đóng trú quanh những khu phòng thủ kiên cố như đồn Kronstadt. Bên kia thì Đề đốc Anh là Charles Napier và Đề đốc Pháp là Parseval-Deschènes lại ngại tấn công, và chỉ có thể ngăn chặn các tàu buôn Nga và công kích các đồn phòng thủ nhỏ của Nga dọc bờ biển Phần Lan. Anh-Pháp tấn công và tiêu diệt đồn Bomarsund và Slava nhưng ở các đồn khác lại bị đánh bật ra.


Binh sỹ Hạm đội biển đen của Nga đóng tại Sevastopol.

Trong những đợt tấn công này, quân Anh đốt phá hai vùng Oulu và Raahe và bị thế giới lên tiếng phản đối. Tin lan về đến Anh và nghị sĩ quốc hội Thomas Gibson đòi Hạ viện Anh hạch trách các đề đốc hải quân đang tham chiến về những hành động tàn phá tài sản của người dân vô tội.

Ở Nga, kinh tế từ từ bị suy yếu vì buôn bán theo đường biển bị bế tắc, và quân Nga cũng do đó mà giảm sút tinh nhuệ.

Mùa thu năm này, hạm đội Anh do chiến hạm Miranda dẫn đầu kéo từ biển Ban Tích ra biển Trắng và pháo kích hai tỉnh Kola và Solovki. Kola bị tàn phá hoàn toàn. Quân Anh tấn công Arkhangelsk nhưng thất bại.

Năm 1855, hơn 1.000 đại bác của hải quân đồng minh Anh-Pháp bắn hơn 20 nghìn viên pháo vào đồn phòng thủ Sveaborg của Nga gần Helsinki. Nhưng chỉ huy trưởng Nga Viktor Poplonsky đem tàu chiến Rossiya chặn giữ cửa biển, không cho quân Anh-Pháp vào. Trong khi đó quân Anh-Pháp phá mãi không xong, phải huy động thêm lực lượng để tấn công lần nữa nhưng chưa kịp thì chiến tranh chấm dứt.

Sức kháng cự của quân Nga phần lớn do khả năng sử dụng mìn ngầm trên biển tại Kronstadt và Sevastopol. Thủy lôi trong chiến thuật hải quân ngày nay có lẽ bắt đầu từ chiến tranh vùng Krym[23].

Tranh chấp giữa các đế quốc châu Âu cũng diễn ra ở Thái Bình Dương. Hạm đội Anh-Pháp do Đề đốc David Price và Febrier-Despointes chỉ huy bao vây đoàn tàu chiến Nga do Đề đốc Yevfimy Vasilyevich Putyatin chỉ huy tại Petropavlovsk thuộc bán đảo Kamchatka. Tháng 9 năm 1854, sau khi dùng súng từ chiếm hạm bắn nát thành phố, hơn 800 quân lính Anh-Pháp đổ bộ nhưng bị phản kích mãnh liệt và phải rút lui, chịu thiệt hại nặng nề. Đến mùa xuân năm 1855, quân Nga rút lui khi quân đồng mình đem tiếp viện đến tấn công lần nữa.

Trong khi hô hào phong trào thống nhất nước Ý, Camillo Benso nghe lời Victor Emmanuel II gởi quân lính theo ủng hộ Anh-Pháp. Mục đích của Camillo Benso là vuốt ve Pháp để tăng thế lực cho khu vực Piedmont của Ý, và qua đó có thể Piedmont được hội nhập vào nước Ý thống nhất.

Chiến tranh kết thúc

Sau khi nhận được tin về thảm bại tại Sevastopol, Nga hoàng Nikolai I uống thuốc độc tự tử ngày 2 tháng 3 năm 1855, con trai là Aleksandr II lên thay. Sau khi Sevastopol thất thủ, Nga bắt đầu thương lượng hòa bình với phe đồng minh và ký hòa ước tại Paris năm 1856. Quy ước hàng hải giữa Nga và Ottoman định lại ranh giới chủ quyền vùng biển Đen. Nga phải chịu thiệt thòi vì hải quân Nga sẽ không còn khả năng kiểm soát khu biển như trước đó. Ngoài ra, theo hòa ước Paris Đế quốc Ottoman được các cường quốc châu Âu công nhận.

Hóa ước Paris được tôn trọng đến năm 1871 thì Pháp bị Đế quốc Đức đánh bại (Chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871)), hoàng đế Pháp là Napoléon III bị truất phế và chính phủ Đệ tam Cộng hòa Pháp ra đời.

Nga lợi dụng tình thế và dựa theo ủng hộ của thủ tướng Đức Otto von Bismarck tái thiết căn cứ hải quân Nga tại biển Đen, không tuân theo quy ước hàng hải đã ký tại Paris.

Đế quốc Áo không theo Nga khi trước nay lại bị cô lập. Áo thua Phổ trong cuộc phân tranh Áo-Phổ năm 1866 và mất chủ quyền các lãnh thổ nói tiếng Đức. Áo sau đó phải phụ thuộc vào Phổ và trở thành một khu vực hành chính của Đức - tạo rắc rối sau này đưa đến Chiến tranh thế giới thứ nhất.

H.C.T (Tổng hợp)


[Thế giới-Infonet] - Những tai nạn quân sự khủng khiếp trong Thế kỷ XX

40 năm cuối của Thế kỷ XX, thế giới loài người đã trải qua nhiều tai nạn trong quá trình phát triển lĩnh vực quân sự.

Đa số những tai họa này là do con người gây ra vì quyết sách sai lầm, vi phạm quy trình, vi phạm kỷ luật thao tác, hoặc do tai họa tự nhiên khó chống lại được, tính chất nguy hại của nó vô cùng to lớn, chấn động toàn cầu.

1 - Một sự cố bệ phóng tên lửa bị che lấp mấy chục năm

Ngày 24-10-1960, tại bãi phóng tên lửa gần biển Aral, thuộc Liên Xô trước đây, xảy ra một vụ nổ tên lửa đạn đạo thảm khốc nhất trên thế giới. Nguyên soái Nil Jielin, Tư lệnh bộ đội tên lửa Liên Xô có mặt tại hiện trường đã thiệt mạng ngay tại chỗ, 160 nhà khoa học vũ trụ Liên Xô trên bệ phóng cũng gặp nạn, tất cả sinh vật trong hiện trường đều biến mất, chỉ lưu lại một ít tiền kim loại và chìa khóa. Dẫn đến tai nạn này là phát nổ một quả tên lửa vượt đại châu “R16”.


Sự cố phóng tên lửa Liên Xô ngày 24-10-1960.

Nguyên nhân thật sự của thảm kịch to lớn đã bị che lấp mấy chục năm, là do nhà lãnh đạo Khrushchev muốn lợi dụng thành quả nghiên cứu hàng không để đề cao uy tín của Chính phủ Liên Xô và địa vị chính trị của bản thân ông ta.

Khi hạ đạt nhiệm vụ cho Nguyên soái Nil Jielin, ông ta nói: “Trong chuyến tôi sang Mỹ đàm phán, khi tôi đặt chân lên đất nước của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đồng chí phải phóng cho tôi một quả tên lửa, đe dọa người Mỹ một phen”.

Ngày 23-10, khi Đoàn đại biểu Liên Xô do Khrushchev dẫn đầu tới nước Mỹ, Nguyên soái Nil Jielin lập tức ấn nút điện phóng tên lửa đạn đạo “R16”. Nhưng, ấn bên trái ấn bên phải, tên lửa vẫn không phóng được, thế là Nguyên soái dẫn mười mấy chuyên gia tên lửa Liên Xô và mấy chục công trình sư cao cấp đi lên bệ phóng tên lửa, tiến hành kiểm tra. Theo quy định của điều lệ an toàn, kiểm tra tập thể chỉ có thể tiến hành sau khi lấy hết nhiên liệu ra. Nhưng do lo lắng sẽ chậm thời gian phóng tên lửa, nên Nguyên soái không thể không vi phạm nội quy, cùng các chuyên gia đến bên cạnh tên lửa chứa đầy nhiên liệu, tiến hành kiểm tu hệ thống tên lửa.

Cho đến ngày 24-10, trước 30 phút so với thời hạn phóng tên lửa “R16” lên không trung, nhân viên công tác vẫn đang kiểm tu linh kiện điện khí. Đột nhiên, khoang thứ hai của tên lửa không biết vì lý do gì lại bị điểm hỏa, ngọn lửa phun ra, tiếp theo lan sang buồng nhiên liệu của khoang thứ nhất, dẫn đến đám cháy lớn và tiếng nổ lớn. Ngọn lửa do tên lửa phun ra, chỉ trong nháy mắt, đã nuốt chửng tất cả mọi vật chung quanh.

Sau khi sự cố xảy ra, báo chí Liên Xô chỉ đưa tin: Nguyên soái Nil Jielin chết do tai nạn máy bay.

2 - Tai nạn bi thảm nhất trong lịch sử không quân Ai Cập

Ngày 2-3-1981, Nguyên soái Abdulah Badawi, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập và đoàn của ông đến sân bay chuyên dụng của Bộ tư lệnh Quân khu Suyoue, chuẩn bị lên một chiếc máy bay trực thăng đến thị sát vùng biên giới Ai Cập-Libyan.

Suyoue là nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Quân khu miền Tây Ai Cập. Với sự hướng dẫn của Thiếu tướng Sabul, Tư lệnh Quân khu miền Tây, vị Bộ trưởng Quốc phòng này bước lên một chiếc máy bay lên thẳng vận tải quân dụng kiểu MI-8. Cùng đi còn có 12 viên sĩ quan cao cấp. Trước khi cất cánh, máy bay đã được kiểm tra kỹ càng, tình hình rất tốt, song, khi lên cách mặt đất mới 15m, phi công đột nhiên phát hiện động cơ trục trặc kỹ thuật, nên đã dốc mọi cố gắng, muốn làm cho tình huống trở lại bình thường, nhưng không có hiệu quả.

Sau 25 phút, máy phát động hoàn toàn tê liệt, máy bay chao đảo như người say rượu, lên lên xuống xuống hai ba lần, cuối cùng rơi từ độ cao cách mặt đất 6, 7m. Điều bất hạnh là, cần lái đuôi máy bay trực thăng khi quay đột nhiên vướng vào một đường dây điện chùng xuống, máy bay lên thẳng lập tức bị cháy đùng đùng.

Tất cả chỉ xảy ra trong thời gian không đầy một phút, nhân viên đưa tiễn đoàn trố mắt nhìn chiếc máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng từ giữa không trung rơi xuống, cháy thành một biển lửa, mà không tài nào cấp cứu được.

Nguyên nhân gì làm cho chiếc máy bay lên thẳng MI-8 bị rơi? Ai Cập tổ chức một Hội đồng điều tra cấp cao, tiến hành truy cứu nguyên nhân của sự cố này. Nhưng, theo suy đoán của 6 người khác của tổ lái chiếc máy bay này, thì sự cố có khả năng là do có cát bụi hoặc một con chim bị hút vào động cơ máy bay gây nên.

3 - Hàng không mẫu hạm chạy bằng động cơ hạt nhân của Mỹ bị cháy

Nimitz là một Hàng không mẫu hạm chạy bằng động cơ hạt nhân lớn nhất nước Mỹ, nó như thành phố trên biển. Toàn bộ thân hạm dài 332,9m; rộng 76,8m; diện tích boong tàu trên hạm rộng tương đương 3 sân bóng đá, thân hạm cao bằng một ngôi lầu 30 tầng. Trên hạm có 95 chiếc máy bay quân sự, còn có tên lửa hạm đối không, nhiên liệu hạt nhân mang theo có thể sử dụng trong 13 năm. Trên hạm có hơn 5.600 sĩ quan binh lính, chỉ riêng đầu bếp đã có trên 100 người.


Hàng không mẫu hạm hạt nhân Mỹ bốc cháy.

Đêm khuya ngày 26-5-1981, con thú khổng lồ Nimitz trên biển đang chuẩn bị thu hồi đội hình máy bay diễn tập tác chiến như thật trở về. Khoảng 23 giờ 25 phút, một chiếc máy bay đối kháng điện tử “Prowler EA-6B” rời khỏi đội hình chuẩn bị hạ cánh, nhưng lần thứ nhất chưa thành công, sau khi chạm boong tàu lại phải bay lên. Hơn 20 phút sau, chiếc máy bay này lại tiến vào đường băng lần thứ hai, lần này đã hạ cánh xuống trên hạm rồi, nhưng máy bay không chạy đúng đường băng giữa, mà chạy vào cạnh trái của đường băng giữa, đầu máy bay nghiêng về bên phải. Nhân viên dẫn đường không phát ra tín hiệu máy bay chạy lệch đường băng giữa, mà phát ra chỉ lệnh sai lầm: “Máy bay bình thường, giữ thăng bằng nó!” Máy bay từ hướng trái vượt qua đường băng giữa, lao sang bên phải, va chạm vào đội hình máy bay đậu trên boong tàu gây nên vụ nổ trên Hàng không mẫu hạm, tổng cộng làm chết 14 người; 42 người bị bỏng nặng do bị lửa cháy hoặc bị trọng thương bởi mảnh vỡ do tên lửa nổ găm vào; Ngoài ra còn có 11 chiếc máy bay bị phá hủy hoặc bị tổn thương. Chỉ riêng khoản máy bay đã tổn thất tới 534,5 triệu USD, những thiết bị khác và tài sản tổn thất đến 44,8 triệu USD.

4- Biểu diễn bay dẫn đến bi kịch

Ngày 28-8-1988 là ngày mở căn cứ không quân AFB Lymestan của Tây Đức trước đây. Đối với liên đội máy bay chiến đấu chiến thuật số 86 của Không quân Mỹ đồn trú tại Tây Âu, ý nghĩa của ngày đó vô cùng khác thường, bởi vì ngày hôm ấy là ngày chúc mừng Liên đội 86 tiến vào đồn trú tại Tây Âu chẵn 35 năm. Trong căn cứ Lymestan vô cùng náo nhiệt, hơn 30 loại máy bay chiến đấu trang hoàng lộng lẫy dàn đội hình, chuẩn bị cất cánh kính chào hơn 35 vạn người tới tham dự lễ khai trương. Ngoài ra, máy bay oanh tạc B-1B lần đầu tiên lộ diện cũng tham gia cuộc triển lãm và biểu diễn này. B-1B có hệ thống dẫn đường tiên tiến, có thể mang theo vũ khí hạt nhân, tiết diện ra-đa của nó rất nhỏ, năng lực đề phòng rất mạnh, là loại máy bay mới thay thế máy bay oanh tạc B-52, thuộc vào một phần trong kế hoạch hiện đại hóa chiến lược 5 điểm mà Tổng thống Reagan đã tuyên bố.

12 giờ 45 phút, 4 chiếc máy bay F-16V thuộc Liên đội 86 bay qua bầu trời quảng trường, chính thức mở màn cuộc biểu diễn bay, tiến vào cao trào tuyệt vời nhất của ngày mở cửa căn cứ. Biểu diễn bay của Liên đội 86 nổi tiếng xa gần, đã công khai diễn xuất 590 lần, chưa từng xảy ra một lần sai sót nào.

Khi ấy, một phóng viên nhiếp ảnh đang dự định chớp lấy những hình ảnh khi 4 chiếc máy bay “chụm lại” với nhau, trong 1/350 giây trước khi đội hình “hôn” nhau, anh đã chụp được một tấm ảnh, tiếp theo là một tiếng nổ cực lớn. Trong khuôn hình chụp được trong máy ảnh, phóng viên nhìn thấy trong đội hình máy bay dày đặc, đột nhiên bung ra một quả cầu lửa màu vàng trắng, một chiếc máy bay nhằm thẳng anh mà lao xuống. Người phóng viên ấy hoảng sợ quay người bỏ chạy, khí tài chụp ảnh đều rơi tại chỗ, tiếp theo anh nghe thấy tiếng nổ.

Trong vụ tai nạn lần này, có 69 người chết, 350 người bị thương nặng, ngoài ra ít nhất có 500 người bị thương nhẹ. Sau này tại căn cứ AFB Lymestan không còn tổ chức “Ngày hội bay” tưng bừng như vậy nữa.

5 - Quân hạm Mỹ tự nổ tung một cách “thần bí”

Khoảng 10 giờ sáng 19-4-1989, trên mặt biển Đại Tây Dương cách Pu-éc-tô Ri-cô (Puerto Rico) về hướng đông bắc khoảng 330 dặm Anh, chiến hạm Mỹ Iowa đang tiến hành diễn tập, đột nhiên phun lên một đám khói, một quả bom nặng 660 bảng nổ tung nòng pháo trung tâm của tháp pháo số 2. Tháp pháo số 2 trong nháy mắt bị khói đen dày đặc che phủ, trên quân hạm vô cùng hỗn loạn.

Trong vụ nổ này, có 47 thủy binh không may thiệt mạng, 1.517 người bị thương. Năm ngày sau, quân hạm Ai-ô-oa mang theo những cỗ quan tài phủ quốc kỳ Mỹ trở về cảng Mẹ - Norfolk bang Virginia. Tên họ của những người chết chờ đến sau khi linh mục đi theo quân đội đọc thông tri báo tử cho gia đình quân nhân, mới được công bố.

Vụ nổ này làm cho Oa-sinh-tơn chấn động mãi.

Tổng thống Bush nói vụ nổ này “là một đại bi kịch khiến người ta đau lòng”!

Theo Vũ Phong Tạo/ QĐND cuối tuần

[Thế giới-VOV Online] - Ukraine chuẩn bị bước đầu tiên cho cuộc bầu cử Tổng thống

VOV.VN - Danh sách các ứng cử viên tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine đã lên đến con số 10.

Hôm nay (30/3) sẽ là ngày cuối cùng của thời hạn đăng ký ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới. Các bước đi nhằm hoàn tất thủ tục đầu tiên này đang được khẩn trương tiến hành ở Ukraine.

Trong ngày hôm qua (29/3) hầu hết các đảng lớn của Ukraine đã tiến hành đại hội và chọn ứng cử viên của đảng ra tranh cử. Những gương mặt “sáng giá” cũng trở nên rõ ràng hơn trong những cuộc lựa chọn mang tính khởi đầu này.


Bà Tymoshenko tham gia ứng cử Tổng thống Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Đại hội đảng Udar (Cú đấm) đã thống nhất đề cử doanh nhân nổi tiếng Petro Poroshenko ra tranh cử. Lãnh đạo đảng là Vitali Klitschko, cựu vô địch quyền anh thế giới đã tuyên bố không ra tranh cử chức Tổng thống mà sẽ tranh cử chức Thị trưởng thành phố Kiev.

Phát biểu tại Đại hội đảng này, ông Klitschko cho rằng, ứng cử viên Poroshenko có khả năng hơn và mang đầy đủ yếu tố hợp pháp nhất trong số các ứng cử viên có khả năng vào chức Tổng thống. Cả hai ông cũng tuyên bố họ sẽ cùng tiến hành các cuộc vận động tranh cử và bày tỏ hy vọng sẽ giành chiến thắng đúp trong cả cuộc bầu cử Tổng thống lẫn bầu Thị trưởng Kiev.

Đảng “Các khu vực” tiến cử cựu tỉnh trưởng Kharkov Mikhail Dobkin với số phiếu khá tập trung. Cũng tại Đại hội, đảng Các khu vực đã khai trừ khỏi đội ngũ của mình vị Tổng thống bị phế truất Yanukovich, cựu Thủ tướng Azarov và Arbuzov - Cựu Bộ trưởng Klimenko, Cựu Tỉnh trưởng tỉnh Donetsk, Shishaski

Trong khi đó, đảng “Đất mẹ” không có gì bất ngờ đã đề cử ứng cử viên của mình là bà Tymoshenko. Phát biểu tại đại hội đảng, bà Tymoshenko tuyên bố rằng “đã đến lúc phải đưa ra những yêu sách về vật chất một cách rõ ràng với Nga vì sự thôn tính Criema”. Bà cũng khẳng định, “Ukraine phải trở thành thành viên đầy đủ của Liên mình châu Âu trong thời gian sắp tới và hội nhập với hệ thống an ninh quốc phòng châu Âu”.

Đảng Tự do thì đề cử Chủ tịch đảng, đại biểu Quốc hội Oleg Tyagnibok. Tuyên bố trước đại hội, ứng cử viên này nói: “Sức mạnh chính trị của chúng ta rất nặng nề khi tham gia chiến dịch tranh cử này bởi chúng ta đã phải hy sinh quá nhiều sức lực cho cuộc cách mạng”.

Ngoài ra, đảng Cộng sản cũng đã đề cử lãnh đạo đảng mình là Simoshenko ra tranh cử; Đến cuối ngày, một nhà dân tộc chủ nghĩa là Iarosh cũng nộp đơn ra tranh cử.

Như vậy, cho đến giờ phút này, danh sách các ứng cử viên tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine đã lên đến con số 10. Tuy nhiên, danh sách cuối cùng sẽ được công bố vào ngày thứ hai tới. Ngày hôm nay (Chủ nhật, 30/3), Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine vẫn tiếp nhận các đơn đăng ký ra tranh cử.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, với những gương mặt này của cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Ukraine, hiện nay, sáng giá nhất là vị tỉ phú Poroshenko, tiếp theo là bà Tymoshenko và thứ ba là ông Dobkin.

Trong khi các đảng phái và các cá nhân Ukraine đang tích cực các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử thì phía Nga vẫn lên tiếng khẳng định, “Moscow coi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Ukraine là bất hợp pháp”./.

Điệp Anh/VOV - Moscow