[Xã hội-Chinhphu.vn] - Bình Dương cần rà soát lại chương trình CCHC

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Bình Dương phải rà soát lại chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC), cải cách công chức, công vụ và thể chế, đào tạo nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức…


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chiều 14/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã tới thăm Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương và làm việc với việc lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương về công tác phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết nhằm hiện đại hóa nền hành chính minh bạch, hiệu quả, Khu hành chính mở tỉnh Bình Dương (đi vào hoạt động từ 20/2/2014) là tiền đề quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính của tỉnh.

Khu hành chính mở (có diện tích 4.000m2) là nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với 100% thủ tục hành chính thuộc Bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh. Tất cả các cơ quan cấp tỉnh làm việc ngay tại tòa nhà này nhằm phục vụ tốt nhất các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch.

Về công tác cải cách hành chính, tỉnh Bình Dương xác định cải cách thể chế là nội dung quan trọng hàng đầu và tập trung chỉ đạo thực hiện làm cơ sở cho việc ban hành, thực thi, rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật đạt hiệu quả. Đồng thời, tiến hành bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời một số văn bản không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi đối với một tỉnh phát triển năng động hàng đầu cả nước.

Tỉnh đã ban hành và tổ chức phân cấp quản lý trên các lĩnh vực như xây dựng, cấp thoát nước, quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thong, nông nghiệp, giao thông vận tải, vệ sinh an toàn thực phẩm, tài nguyên môi trường… Tỉnh cũng xây dựng Bộ chỉ số cải cách hành chính để đánh giá công tác cải cách hành chính của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã theo phương pháp khoa học, khách quan và có định lượng cụ thể, với sự tham gia của các tổ chức, người dân vào quá trình đánh giá, đặc biệt là sự tham gia mạnh mẽ, tích cực, thường xuyên của các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác này.

Tỉnh Bình Dương đã ban hành Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm rà soát, đánh giá và có giải pháp cụ thể ở từng ngành, lĩnh vực, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh công khai, minh bạch, đơn giản hóa và cải cách quy trình thủ tục liên quan đến những lĩnh vực “nóng” như xây dựng, đầu tư, đăng ký kinh doanh…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác cải cách hành chính đã được các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội, đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công nghiệp hóa, thu ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Phó Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong việc thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính với trung tâm hành chính mở, triển khai hải quan điện tử với hệ thống một cửa hiện đại cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng thu hút đầu tư để nhanh chóng đưa Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào thời gian tới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của Bình Dương, đó là tội phạm còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có chiều hướng gia tăng đang là nỗi lo của không ít người dân. Điều này, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền phải quán triệt nghiêm túc đến các cấp, lực lượng chuyên trách như công an, dân phòng để kiềm chế và giảm dần tình trạng này.

Tỉnh phải rà soát lại chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách công chức, công vụ, thể chế, đào tạo nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức để đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, mà điều đầu tiên mỗi cán bộ phải học khi tiếp xúc với dân là học “4 xin” (xin chào, xin lắng nghe, xin lỗi, xin cảm ơn).

Đồng thời tiếp tục bổ sung việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, từng bước giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, đánh giá được sự hài lòng của người dân khi giao dịch với cơ quan Nhà nước.

Lê Sơn