[Xã hội-Nhân dân] - Nhớ lời dặn dò của anh Tô

Nhân kỷ niệm lần thứ 108 ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc gần gũi của Bác Hồ (1-3-1906 - 1-3-2014), người lãnh đạo tài ba, nhà văn hóa lớn của nước nhà, người anh gần gũi các nhà văn, nhà báo Việt Nam, xin kể lại một vài kỷ niệm nhỏ với anh.


Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm nông dân huyện Đan Phượng, Hà Tây (1971).


Nhớ lại, cuối tháng Chạp năm 1980, mấy anh em nhà báo chúng tôi sau mấy ngày công tác ở cơ sở, rời Đoàn Xá (Hải Phòng), về thành phố, trong lòng bức xúc chuyện cán bộ xã và hợp tác xã đang bị đe dọa kỷ luật. Về đến nơi, được biết Thủ tướng Phạm Văn Đồng (mà chúng tôi hay gọi thân mật là anh Tô) đang có mặt ở đây. Lê Điền và tôi cùng một số nhà báo ngỏ ý muốn đến thăm anh, trong thâm tâm nếu thuận lợi sẽ trình bày với anh tình hình cán bộ cơ sở bị đe dọa kỷ luật về tội “phá rào” khoán nông nghiệp, mong anh tháo gỡ. Thật ra gặp Thủ tướng không dễ tuy rằng biết anh rất quý các nhà văn, nhà báo nhưng dù sao cũng hy vọng cho dù mong manh. Nhưng chỉ một lúc sau Văn phòng Thành ủy báo tin anh Tô mời đến chơi. Từ “mời” chắc là lời nói thường rất lịch sự của nhà văn hóa Phạm Văn Đồng mà anh văn phòng truyền đạt lại với mấy anh nhà báo “tép riu” chúng tôi.

Ăn cơm chiều ở nhà khách thành phố xong, chúng tôi đạp xe đến Nhà khách số 2 Bến Bính nơi anh hẹn gặp.

Khi gặp chắc anh không biết hết chúng tôi cho nên từng người tự giới thiệu tên và cơ quan công tác. Nghe xong, anh nói: “Đọc Báo Nhân Dân và Đại Đoàn Kết thấy các đồng chí đều là những nhà báo xông xáo. Nhưng các đồng chí đang làm gì?”. Anh Lê Điền thưa: “Báo cáo đồng chí chúng tôi đi thực tế”. Anh cười thoải mái rồi nói: “Nhà báo phải dùng từ cho chính xác, tôi sửa một từ được không. Các đồng chí thường nói “đi thực tế”, nhưng nên nói đi vào đời sống đúng hơn. Cũng không hoàn toàn đúng vì, phải sống trong thực tiễn để hiểu đầy đủ thực tiễn, đời sống mà viết! “Đi” là từ ngoài vào, còn “sống” là ở trong lòng đời sống mà quan sát”.

Nghe anh nói thế, chúng tôi lại nhớ sách “Xây dựng nền văn hóa văn nghệ ngang tầm vóc dân tộc ta, thời đại ta” của anh xuất bản cách đây vài năm mà chúng tôi đã đọc rất kỹ. Trong đó anh nhắc các nhà văn, nhà báo phải có vốn sống phong phú, coi “vốn sống như cơm bữa” của người viết, do đó phải được bồi đắp hằng ngày. Vốn sống của mỗi người là sự cảm thụ trực tiếp với con người và xã hội khi sống trong thực tiễn và anh dặn “phải sống sâu sắc một cuộc sống nào đó” để viết... Từ lời khuyên của anh chúng tôi luôn tìm vốn sống trong thực tiễn, và nhân bài học từ anh, tôi tự tổng kết đời làm báo của mình bằng 5 chữ S nghĩa là phải “Sống sâu sắc, say sưa” với sự nghiệp của đất nước và nhân dân để viết.

Trong câu chuyện tối hôm đó, anh còn hỏi: “Các đồng chí vừa đi đâu về?”. Tôi thưa với anh: “Chúng em vừa từ Đoàn Xá nơi “khoán chui” về”. Cũng định trình bày với anh tình hình ở đây như dự kiến ban đầu nhưng cũng không dám nói vì sợ làm phiền anh, nhưng có vẻ anh cũng đã biết. Anh lại nói với chúng tôi về ý kiến của Gớt, đại văn hào Đức nhấn mạnh
“... Cây đời mãi xanh tươi” nhưng muốn tới cái mới, sự xanh tươi phải từ cuộc sống. Rồi anh nói: “Thấy được cái mới là điều khó. Vì cái mới rất mới, có cái đương hiện ra, chưa hình thành, mới chỉ là cái nụ; có khi chỉ là cái mầm non, nhưng dồi dào nhựa sống và sức mạnh, nhất định sẽ vươn lên và chiến thắng”. Nghe anh nói thế chúng tôi cảm thấy như anh biết rõ chuyện ở Đoàn Xá và ý muốn cổ vũ chúng tôi ủng hộ “cái nụ, cái mầm” Đoàn Xá. Và chúng tôi đã làm theo ý anh, ủng hộ các nhân tố mới thực hiện đổi mới trong nông nghiệp vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Trong cuộc đời làm báo và công tác, tôi còn có dịp nhiều lần gặp anh. Khi tôi là Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương có lần anh gọi đến báo cáo và trao đổi ý kiến mấy tiếng đồng hồ về xây dựng Đảng mà anh rất quan tâm khi mắt anh không còn nhìn thấy gì, có buổi ở Tam Đảo, có buổi tại nhà anh ở Phủ Chủ tịch.

Tôi biết rằng anh còn gặp một số đồng chí khác để nghe và trao đổi ý kiến về vấn đề hệ trọng này, sau đó anh gửi thư góp ý rất tâm huyết và sâu sắc với Hội nghị Trung ương thứ 6 (lần 2) khóa VIII về những vấn đề cấp bách và cơ bản trong xây dựng Đảng mà tôi lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng nên được đọc. Sau đó vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ 19-5-1999, anh công khai một phần trên Báo Nhân Dân trong đó có những nhận xét rất thẳng thắn như:

“Nhiều người trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hóa biến chất, chạy theo chức quyền, tiền và danh lợi. Những người đó đang làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ngày càng giảm lòng tin vào Đảng ta, đưa đến tình hình nguy kịch, không thể coi thường là sự hội nhập của “bốn nguy cơ” tác động lẫn nhau và phá ta, có thể đưa đến sự mất còn của chế độ và sự nghiệp cách mạng của chúng ta”.

Bây giờ đọc lại những dòng này thấy rõ sự cảnh báo của đồng chí Phạm Văn Đồng rất sớm về tình trạng “văn hóa chính trị” xuống cấp nghiêm trọng là những nguy cơ rất lớn.

Sự nghiệp về văn hóa của Nhà văn hóa Phạm Văn Đồng có nhiều mặt, tôi chỉ xin kể một số kỷ niệm sâu sắc những gì chứng kiến coi như bài học lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng và viết báo của mình.

Anh nhắc các nhà văn, nhà báo phải có vốn sống phong phú, coi “vốn sống như cơm bữa” của người viết, do đó phải được bồi đắp hằng ngày.

HỮU THỌ