Đây là tình trạng màng tinh hoàn bị đọng dịch, máu, mủ... gây nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản ở nam giới.
Nguyên nhân tràn dịch màng tinh hoàn Ngay từ thời kỳ phôi thai tinh hoàn nằm trong ổ bụng và sau phúc mạc, sự đi xuống của tinh hoàn giống như việc đẩy thành bụng xuống, phúc mạc có thể bị lôi xuống theo và tạo thành hố trong bìu, hố này sẽ đóng kín lúc trẻ ra đời. Nếu hố này đóng không kín thì dịch trong ổ bụng sẽ tích lại trong bìu gây nên tình trạng tràn dịch phúc tinh mạc. Nguyên nhân tràn dịch là do còn ống phúc tinh mạc, do ứ trệ tuần hoàn như trong suy tim, suy gan, suy thận, ứ trệ bạch huyết trong bệnh giun chỉ, một số trường hợp do chấn thương, do viêm nhiễm, lao, ung thư... Biểu hiện của bệnh: bìu to, sa xuống, da bìu căng bóng không thay đổi khi thay đổi tư thế bệnh nhân hay khi cho bệnh nhân thót bụng lại. Người bệnh có thể bị một hoặc cả hai bên nhưng thông thường bị một bên. Trường hợp chứa nhiều dịch, da bìu căng cứng thấy bìu như một quả bóng đầy nước, dịch, tinh hoàn bị đè đẩy và rất dễ khám được qua sờ nắn tinh hoàn. Bìu to sa xuống làm người bệnh có cảm giác vướng và tức nhẹ khi đi lại. Nếu có máu do chấn thương thì bệnh nhân đau và có thể thấy da bìu tím đen. Soi bìu thấy ánh sáng có thể xuyên qua được, có thể thấy bóng đục của tinh hoàn. Bệnh nhân có thể có biểu hiện của bệnh cảnh viêm sưng nóng đỏ, đau ở bìu khi màng tinh hoàn có mủ, lúc đó có kèm theo viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn, lao...
Trên lâm sàng cần phân biệt tràn dịch màng tinh hoàn với tình trạng thoát vị bẹn. Trong thoát vị bẹn hiện tượng sa bìu thường không liên tục mà bìu thường xẹp xuống khi nằm, khám lỗ bẹn rộng đút lọt ngón tay. Siêu âm có thể chẩn đoán chính xác và phân biệt được hai tình trạng này. Trên siêu âm thấy hình ảnh khoảng trống âm trong bìu có thể đè đẩy tinh hoàn sang 1 bên hoặc xuống dưới. Nếu màng tinh hoàn ít dịch cần phân biệt với lớp dịch sinh lý thông thường, lớp dịch này dày trên 5mm thì được coi là tràn dịch. Chọc hút dịch là biện pháp nên làm để chẩn đoán nguyên nhân. Các xét nghiệm cho chẩn đoán xác định nguyên nhân cần làm như sinh hóa, tế bào dịch màng tinh hoàn tìm tế bào ung thư, PCR lao. Chẩn đoán và điều trịDựa vào lâm sàng và dựa vào siêu âm để chẩn đoán xác định, chẩn đoán nguyên nhân thì cần dựa vào xét nghiệp sinh hóa, tế bào dịch màng tinh hoàn, tình trạng lâm sàng và các xét nghiệm khác. Tràn dịch màng tinh hoàn rất dễ phát hiện trên lâm sàng và siêu âm, lâm sàng của tràn dịch màng tinh hoàn rất đa dạng có có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, nhiều hình thái khác nhau. Vấn đề là khi ta gặp người bị tràn dịch màng tinh hoàn thì thái độ xử lý với trường hợp dịch này như thế nào? Với trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi bị tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh thường do đoạn phúc mạc trong ống bẹn (ống phúc tinh mạc) chưa được đóng kín dẫn tới một lượng dịch màng bụng từ trên chảy xuống bìu. Thông thường ống phúc tinh mạc được đóng lại trong khoảng 18 tháng sau khi sinh, sau 18 tháng trở ra thì ống này hầu như không tự đóng nữa. Chính vì thế khi trẻ em có tràn dịch màng tinh hoàn trong hai năm đầu không nên điều trị gì, chỉ can thiệp cho trẻ khi trẻ đã lớn hơn 2 năm tuổi. Sau hai tuổi có thể tiến hành mổ nếu lượng dịch này nhiều. Với trường hợp tràn dịch ở người lớn tuổi, có khoảng 1% ở nam giới trưởng thành bị tràn dịch màng tinh hoàn do ống phúc tinh mạc chưa đóng kín hoàn toàn hay gặp ở người lớn tuổi có thể do về già lớp cơ và chức đàn hồi của thành bụng suy yếu nên ống phúc tinh mạc có thể bị bong tách một phần trở lại và gây dịch ổ bụng tràn xuống. Những trường hợp này thường kết hợp với cả thoát vị bẹn kèm theo. Đối với trường hợp tràn dịch còn ống phúc tinh mạch ở nam giới lớn tuổi thì việc phẫu thuật nên tiến hành khi mà lượng dịch nhiều gây đau tức và bất tiện trong sinh hoạt. Đối với trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn do hậu quả của các bệnh khác, tràn dịch mắc phải thì phải điều trị theo nguyên nhân. Ví dụ: viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn do nhiễm khuẩn thì dùng kháng sinh, chống viêm, chống phù nề, giảm đau, corticoid, lao sinh dục thì phải dùng thuốc kháng lao. BS Nguyễn Bá Hưng (BV Vimec) |