[Xã hội-Nhân dân] - Nhận thức đúng về vai trò của động vật trong phát triển bền vững

NDĐT - Mục đích trên cũng là nội dung hội thảo “Vai trò của phúc lợi động vật trong phát triển bền vững ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổ chức bảo vệ động vật thế giới (WSPA) tổ chức tại Hà Nội ngày 19-3.


Trong hệ sinh thái tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội, động vật đóng một vai trò quan trọng, có tác dụng cân bằng sinh thái và là nguồn lương thực, thực phẩm cho đời sống con người. Tùy đặc tính từng loài động vật mà mức độ ảnh hưởng trên có sự khác nhau nhưng xét về tổng thể, vai trò hay nói đúng hơn là quyền lợi của động vật cần được nhìn nhận, đánh giá đúng trong phát triển bền vững ở Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có đại diện nhiều cơ quan chức năng như Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện quản lý kinh tế trung ương, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Các vấn đề bảo vệ môi trường (trong đó có quyền lợi động vật) được Liên Hợp quốc quan tâm và cân nhắc phương án xây dựng khung phát triển sau năm 2015 với các nội dung chính là nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng, hạn hán, sa mạc hóa và suy thoái, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong các nội dung trên, có thể thấy cần phải bảo vệ quyền lợi của động vật để bảo đảm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng…

Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 3-6-2013 “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước về Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích vai trò của động vật (bao gồm động vật hoang dã và động vật nuôi) với các ý kiến đa dạng đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học. Động vật cần được quan tâm và đánh giá đúng vai trò trong hệ sinh thái và trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, bảo đảm giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Kết luận Hội thảo, PGS,TS Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, khẳng định đây chỉ là bước mở đầu và cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá để nâng cao nhận thức về quyền lợi của động vật trong phát triển bền vững ở Việt Nam, thiết thực thúc đẩy việc thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển bền vững ở Việt Nam.

BẢO TỒN