[Xã hội-Nhân dân] - Chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, phát triển

Đứng bên này con suối Pắc Kết hiền hòa chảy giữa thôn Cúc Phương (xã Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai) và tổ Tam Bình Bá, thôn Bảo Long (thị trấn Nam Khê, Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc), đôi mắt thượng tá Hán Đức Dương, chính trị viên Đồn biên phòng Bản Lầu lấp lánh niềm vui: “Nhà báo có cảm nhận điều gì khác biệt không? Những làn khói lam lan tỏa trong ráng chiều, tiếng gió vi vu trên những rặng tre, tiếng suối chảy róc rách, những đứa trẻ hai nước tắm chung trên dòng suối. Tinh mơ, tiếng gà báo sáng không phân biệt được gà bên bạn hay bên mình, càng thấm thía việc duy trì hòa bình, ổn định và trật tự hai bên biên giới không chỉ là vấn đề riêng của bạn hay ta”.


Biên phòng hai nước nhắc nhở người dân không chăn thả gia súc sang bên kia biên giới.


Hợp tác chân thành, hiểu biết lẫn nhau

Hai ngày “ba cùng” với cán bộ, chiến sĩ đồn Bản Lầu, chúng tôi cảm nhận niềm vui, tự hào bởi những nỗ lực của các anh không chỉ góp phần khởi sắc diện mạo kinh tế- xã hội địa phương mà còn gặt hái được nhiều thành quả từ các hoạt động ngoại giao biên phòng. Bản Lầu là đồn biên phòng đầu tiên cả nước vinh dự thực hiện quy chế tuần tra song phương (TTSP) và cũng là đồn sớm nhất trên tuyến biên giới Việt-Trung kết nghĩa với tiểu đoàn biên phòng Nam Khê (Trung Quốc). Rồi nữa, sự kiện kết nghĩa “bản- bản” lần đầu trên biên giới Việt- Trung giữa thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá, địa bàn đồn đứng chân, có sự đóng góp lớn của biên phòng Bản Lầu, đánh dấu bước ngoặt trong công tác đối ngoại của cư dân hai bên biên giới.

Với hơn 184 km đường biên giáp tỉnh Vân Nam nước bạn, bọn tội phạm lợi dụng triệt để đặc thù địa hình hiểm trở nơi thâm sơn cùng cốc để buôn người, thẩm lậu ma túy, vũ khí, buôn lậu... TTSP là sáng kiến của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và phối hợp giải quyết tốt các vấn đề xảy ra liên quan đến hai bên biên giới. Đại tá Bùi Đức Hạnh, Chỉ huy trưởng BĐBP Lào Cai phấn chấn khẳng định, giải pháp này vừa đúng và trúng, giúp bảo vệ chủ quyền, quản lý biên giới thuận lợi. Đúng vậy, nếu hai bên không có phối hợp, hay phối hợp mà không hiểu nhau, thì khó khăn cho ngăn chặn sự xâm phạm, chứ chưa nói đến củng cố và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị. Và đã thành lệ, định kỳ mỗi tháng một ngày, các đồn biên phòng phối hợp phía bạn TTSP theo hình thức luân phiên, kết thúc mỗi buổi cùng nhau rút kinh nghiệm, đề ra chủ trương và thống nhất về thời gian, quân số cho lần tuần tra tới.

Sở dĩ TTSP được nhân rộng, nay đã triển khai tại 5/7 tỉnh biên giới Việt-Trung bởi hiệu quả thiết thực, mà điển hình là nhiều vụ việc xảy ra nhanh chóng giải quyết ổn thỏa, các vi phạm của cư dân hai bên biên giới được xử lý ngay từ cấp cơ sở. Nếu như trước đây, những sự vụ “nho nhỏ” như vượt biên trái phép, quá canh, chăn thả gia súc sang đất bạn, xâm hại cột mốc, xây kè, đổ đất đá ra sông biên giới ảnh hưởng đến dòng chảy...âm ỉ lâu ngày trở thành chuyện lớn, nay được giải quyết ngay tại thực địa, khắc phục tình trạng “bé xé ra to”, mất nhiều thời gian báo cáo cũng như tiến hành các thủ tục hành chính. Cách xử lý “có tình, có lý” khiến bà con “tâm phục, khẩu phục”. Chuyện là, một hộ dân giáp biên trồng cây trên đường thông tầm biên giới hai nước, phía bạn phản ánh, biên phòng hai nước cùng ra thực địa kiểm tra. Mặc dù xác định rõ vi phạm, nhưng cây sắp đến ngày thu hoạch nên hai bên thống nhất phương án tạo điều kiện để hộ dân thu hoạch xong rồi trả lại ngay nguyên trạng. Bằng phương châm “dắt tay chỉ việc”, người dân được lực lượng tuần tra mời ra tận nơi phân tích, giáo dục nhắc nhở đã nhận thức rõ khuyết điểm, nhanh chóng khắc phục. Ý thức chấp hành tốt hơn, vi phạm giảm rõ rệt.

Và cũng nhờ TTSP làm “cầu nối”, biên phòng hai nước thêm gần gũi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhiều hơn, kịp thời hơn. Các vụ việc được hai bên thảo luận, trao đổi và xử lý trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Minh chứng lần phối hợp đồn Mường Khương TTSP nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời nguy cơ cháy rừng khi phát hiện người dân thôn Séo Tủng, xã Tung Chung Phố (Mường Khương, Lào Cai) phát cỏ gần đường biên giới và đốt, Thiếu tá Chu Lý Bân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Biên phòng Kiều Đầu, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhấn mạnh vai trò quan trọng của TTSP góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới.

Phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn, bọn tội phạm dù có “cao bay xa chạy” cũng không thể thoát thân. Thượng tá Trần Ngọc Đính, Chính trị viên đồn cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, đơn vị kết nghĩa “đồn - trạm hữu nghị, cửa khẩu hài hòa” với Trạm kiểm soát biên phòng Hà Khẩu (Trung Quốc) hồ hởi “khoe” thành tích: năm qua, phía bạn giải cứu, trao trả 71 nạn nhân và 73 đối tượng buôn người, còn đồn bàn giao cho phía bạn 65 đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Có mô hình kết nghĩa “đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên”, thông tin nghiệp vụ trao đổi sâu hơn, nhanh hơn, nhiều đường dây tội phạm xuyên quốc gia được bóc gỡ triệt để.

Dân yên, biên giới vững

Gần một năm qua, nhưng Lễ kết nghĩa bản - bản đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung giữa thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương và tổ Tam Bình Bá để lại dấu ấn sâu đậm với cư dân bản địa. Ông Thào Dìn bộc bạch, bà con thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá cùng là người dân tộc Mông, từ truyền thống lâu đời của nhân dân hai nước, đã đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và bảo vệ đường biên giới; sau khi kết nghĩa càng thêm thân thiện, gắn bó, cùng nhau giữ gìn an ninh thôn bản, chấp hành nghiêm pháp luật hai nước, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, phát triển. Mừng vui không kém, ông Vương Chính Phúc, Tổ trưởng tổ Tam Bình Bá chia sẻ, sẽ tích cực tuyên truyền cho bà con tiếp tục phát huy mối đoàn kết; thường xuyên giao lưu, động viên thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau, không phụ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo hai bên.

Không chỉ riêng Bản Lầu, mô hình “cụm dân cư hai bên biên giới chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển” đã khiến bức tranh kinh tế nhiều thôn, bản “thay da đổi thịt”. Tận dụng lợi thế vườn rừng, nắm bắt cơ hội chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhiều hộ dân Bản Lầu đã vươn lên thoát nghèo. Với hai vạn gốc chuối và mía hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, gia đình ông Thào Dìn trở thành điển hình làm kinh tế giỏi để bà con học tập. Phong trào “Tự quản đường biên, cột mốc” cũng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút gần bốn nghìn hộ dân phát huy tinh thần làm chủ, tích cực tự giác đăng ký tham gia. Bồi dưỡng đội ngũ già làng, trưởng bản làm nòng cốt, tăng cường tuyên truyền cho các tổ, các hộ gia đình về luật biên giới quốc gia, quy chế biên giới...; hướng dẫn cách thức xử trí trong một số tình huống thường gặp, và báo tin kịp thời cho BĐBP khi phát hiện vi phạm... đã giúp mỗi người dân thật sự là một “chiến sĩ biên phòng tình nguyện”, sát cánh cùng BĐBP ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, giữ gìn bình yên nơi phên dậu Tổ quốc.

Nếu như trước đây, những sự vụ “nho nhỏ” âm ỉ lâu ngày trở thành chuyện lớn, nay được giải quyết ngay tại thực địa, khắc phục tình trạng “bé xé ra to”, mất nhiều thời gian báo cáo cũng như tiến hành các thủ tục hành chính.

THANH HÀ - PHAN ANH