[Thế giới-Infonet] - Những tai nạn quân sự khủng khiếp trong Thế kỷ XX

40 năm cuối của Thế kỷ XX, thế giới loài người đã trải qua nhiều tai nạn trong quá trình phát triển lĩnh vực quân sự.

Đa số những tai họa này là do con người gây ra vì quyết sách sai lầm, vi phạm quy trình, vi phạm kỷ luật thao tác, hoặc do tai họa tự nhiên khó chống lại được, tính chất nguy hại của nó vô cùng to lớn, chấn động toàn cầu.

1 - Một sự cố bệ phóng tên lửa bị che lấp mấy chục năm

Ngày 24-10-1960, tại bãi phóng tên lửa gần biển Aral, thuộc Liên Xô trước đây, xảy ra một vụ nổ tên lửa đạn đạo thảm khốc nhất trên thế giới. Nguyên soái Nil Jielin, Tư lệnh bộ đội tên lửa Liên Xô có mặt tại hiện trường đã thiệt mạng ngay tại chỗ, 160 nhà khoa học vũ trụ Liên Xô trên bệ phóng cũng gặp nạn, tất cả sinh vật trong hiện trường đều biến mất, chỉ lưu lại một ít tiền kim loại và chìa khóa. Dẫn đến tai nạn này là phát nổ một quả tên lửa vượt đại châu “R16”.


Sự cố phóng tên lửa Liên Xô ngày 24-10-1960.

Nguyên nhân thật sự của thảm kịch to lớn đã bị che lấp mấy chục năm, là do nhà lãnh đạo Khrushchev muốn lợi dụng thành quả nghiên cứu hàng không để đề cao uy tín của Chính phủ Liên Xô và địa vị chính trị của bản thân ông ta.

Khi hạ đạt nhiệm vụ cho Nguyên soái Nil Jielin, ông ta nói: “Trong chuyến tôi sang Mỹ đàm phán, khi tôi đặt chân lên đất nước của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đồng chí phải phóng cho tôi một quả tên lửa, đe dọa người Mỹ một phen”.

Ngày 23-10, khi Đoàn đại biểu Liên Xô do Khrushchev dẫn đầu tới nước Mỹ, Nguyên soái Nil Jielin lập tức ấn nút điện phóng tên lửa đạn đạo “R16”. Nhưng, ấn bên trái ấn bên phải, tên lửa vẫn không phóng được, thế là Nguyên soái dẫn mười mấy chuyên gia tên lửa Liên Xô và mấy chục công trình sư cao cấp đi lên bệ phóng tên lửa, tiến hành kiểm tra. Theo quy định của điều lệ an toàn, kiểm tra tập thể chỉ có thể tiến hành sau khi lấy hết nhiên liệu ra. Nhưng do lo lắng sẽ chậm thời gian phóng tên lửa, nên Nguyên soái không thể không vi phạm nội quy, cùng các chuyên gia đến bên cạnh tên lửa chứa đầy nhiên liệu, tiến hành kiểm tu hệ thống tên lửa.

Cho đến ngày 24-10, trước 30 phút so với thời hạn phóng tên lửa “R16” lên không trung, nhân viên công tác vẫn đang kiểm tu linh kiện điện khí. Đột nhiên, khoang thứ hai của tên lửa không biết vì lý do gì lại bị điểm hỏa, ngọn lửa phun ra, tiếp theo lan sang buồng nhiên liệu của khoang thứ nhất, dẫn đến đám cháy lớn và tiếng nổ lớn. Ngọn lửa do tên lửa phun ra, chỉ trong nháy mắt, đã nuốt chửng tất cả mọi vật chung quanh.

Sau khi sự cố xảy ra, báo chí Liên Xô chỉ đưa tin: Nguyên soái Nil Jielin chết do tai nạn máy bay.

2 - Tai nạn bi thảm nhất trong lịch sử không quân Ai Cập

Ngày 2-3-1981, Nguyên soái Abdulah Badawi, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập và đoàn của ông đến sân bay chuyên dụng của Bộ tư lệnh Quân khu Suyoue, chuẩn bị lên một chiếc máy bay trực thăng đến thị sát vùng biên giới Ai Cập-Libyan.

Suyoue là nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Quân khu miền Tây Ai Cập. Với sự hướng dẫn của Thiếu tướng Sabul, Tư lệnh Quân khu miền Tây, vị Bộ trưởng Quốc phòng này bước lên một chiếc máy bay lên thẳng vận tải quân dụng kiểu MI-8. Cùng đi còn có 12 viên sĩ quan cao cấp. Trước khi cất cánh, máy bay đã được kiểm tra kỹ càng, tình hình rất tốt, song, khi lên cách mặt đất mới 15m, phi công đột nhiên phát hiện động cơ trục trặc kỹ thuật, nên đã dốc mọi cố gắng, muốn làm cho tình huống trở lại bình thường, nhưng không có hiệu quả.

Sau 25 phút, máy phát động hoàn toàn tê liệt, máy bay chao đảo như người say rượu, lên lên xuống xuống hai ba lần, cuối cùng rơi từ độ cao cách mặt đất 6, 7m. Điều bất hạnh là, cần lái đuôi máy bay trực thăng khi quay đột nhiên vướng vào một đường dây điện chùng xuống, máy bay lên thẳng lập tức bị cháy đùng đùng.

Tất cả chỉ xảy ra trong thời gian không đầy một phút, nhân viên đưa tiễn đoàn trố mắt nhìn chiếc máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng từ giữa không trung rơi xuống, cháy thành một biển lửa, mà không tài nào cấp cứu được.

Nguyên nhân gì làm cho chiếc máy bay lên thẳng MI-8 bị rơi? Ai Cập tổ chức một Hội đồng điều tra cấp cao, tiến hành truy cứu nguyên nhân của sự cố này. Nhưng, theo suy đoán của 6 người khác của tổ lái chiếc máy bay này, thì sự cố có khả năng là do có cát bụi hoặc một con chim bị hút vào động cơ máy bay gây nên.

3 - Hàng không mẫu hạm chạy bằng động cơ hạt nhân của Mỹ bị cháy

Nimitz là một Hàng không mẫu hạm chạy bằng động cơ hạt nhân lớn nhất nước Mỹ, nó như thành phố trên biển. Toàn bộ thân hạm dài 332,9m; rộng 76,8m; diện tích boong tàu trên hạm rộng tương đương 3 sân bóng đá, thân hạm cao bằng một ngôi lầu 30 tầng. Trên hạm có 95 chiếc máy bay quân sự, còn có tên lửa hạm đối không, nhiên liệu hạt nhân mang theo có thể sử dụng trong 13 năm. Trên hạm có hơn 5.600 sĩ quan binh lính, chỉ riêng đầu bếp đã có trên 100 người.


Hàng không mẫu hạm hạt nhân Mỹ bốc cháy.

Đêm khuya ngày 26-5-1981, con thú khổng lồ Nimitz trên biển đang chuẩn bị thu hồi đội hình máy bay diễn tập tác chiến như thật trở về. Khoảng 23 giờ 25 phút, một chiếc máy bay đối kháng điện tử “Prowler EA-6B” rời khỏi đội hình chuẩn bị hạ cánh, nhưng lần thứ nhất chưa thành công, sau khi chạm boong tàu lại phải bay lên. Hơn 20 phút sau, chiếc máy bay này lại tiến vào đường băng lần thứ hai, lần này đã hạ cánh xuống trên hạm rồi, nhưng máy bay không chạy đúng đường băng giữa, mà chạy vào cạnh trái của đường băng giữa, đầu máy bay nghiêng về bên phải. Nhân viên dẫn đường không phát ra tín hiệu máy bay chạy lệch đường băng giữa, mà phát ra chỉ lệnh sai lầm: “Máy bay bình thường, giữ thăng bằng nó!” Máy bay từ hướng trái vượt qua đường băng giữa, lao sang bên phải, va chạm vào đội hình máy bay đậu trên boong tàu gây nên vụ nổ trên Hàng không mẫu hạm, tổng cộng làm chết 14 người; 42 người bị bỏng nặng do bị lửa cháy hoặc bị trọng thương bởi mảnh vỡ do tên lửa nổ găm vào; Ngoài ra còn có 11 chiếc máy bay bị phá hủy hoặc bị tổn thương. Chỉ riêng khoản máy bay đã tổn thất tới 534,5 triệu USD, những thiết bị khác và tài sản tổn thất đến 44,8 triệu USD.

4- Biểu diễn bay dẫn đến bi kịch

Ngày 28-8-1988 là ngày mở căn cứ không quân AFB Lymestan của Tây Đức trước đây. Đối với liên đội máy bay chiến đấu chiến thuật số 86 của Không quân Mỹ đồn trú tại Tây Âu, ý nghĩa của ngày đó vô cùng khác thường, bởi vì ngày hôm ấy là ngày chúc mừng Liên đội 86 tiến vào đồn trú tại Tây Âu chẵn 35 năm. Trong căn cứ Lymestan vô cùng náo nhiệt, hơn 30 loại máy bay chiến đấu trang hoàng lộng lẫy dàn đội hình, chuẩn bị cất cánh kính chào hơn 35 vạn người tới tham dự lễ khai trương. Ngoài ra, máy bay oanh tạc B-1B lần đầu tiên lộ diện cũng tham gia cuộc triển lãm và biểu diễn này. B-1B có hệ thống dẫn đường tiên tiến, có thể mang theo vũ khí hạt nhân, tiết diện ra-đa của nó rất nhỏ, năng lực đề phòng rất mạnh, là loại máy bay mới thay thế máy bay oanh tạc B-52, thuộc vào một phần trong kế hoạch hiện đại hóa chiến lược 5 điểm mà Tổng thống Reagan đã tuyên bố.

12 giờ 45 phút, 4 chiếc máy bay F-16V thuộc Liên đội 86 bay qua bầu trời quảng trường, chính thức mở màn cuộc biểu diễn bay, tiến vào cao trào tuyệt vời nhất của ngày mở cửa căn cứ. Biểu diễn bay của Liên đội 86 nổi tiếng xa gần, đã công khai diễn xuất 590 lần, chưa từng xảy ra một lần sai sót nào.

Khi ấy, một phóng viên nhiếp ảnh đang dự định chớp lấy những hình ảnh khi 4 chiếc máy bay “chụm lại” với nhau, trong 1/350 giây trước khi đội hình “hôn” nhau, anh đã chụp được một tấm ảnh, tiếp theo là một tiếng nổ cực lớn. Trong khuôn hình chụp được trong máy ảnh, phóng viên nhìn thấy trong đội hình máy bay dày đặc, đột nhiên bung ra một quả cầu lửa màu vàng trắng, một chiếc máy bay nhằm thẳng anh mà lao xuống. Người phóng viên ấy hoảng sợ quay người bỏ chạy, khí tài chụp ảnh đều rơi tại chỗ, tiếp theo anh nghe thấy tiếng nổ.

Trong vụ tai nạn lần này, có 69 người chết, 350 người bị thương nặng, ngoài ra ít nhất có 500 người bị thương nhẹ. Sau này tại căn cứ AFB Lymestan không còn tổ chức “Ngày hội bay” tưng bừng như vậy nữa.

5 - Quân hạm Mỹ tự nổ tung một cách “thần bí”

Khoảng 10 giờ sáng 19-4-1989, trên mặt biển Đại Tây Dương cách Pu-éc-tô Ri-cô (Puerto Rico) về hướng đông bắc khoảng 330 dặm Anh, chiến hạm Mỹ Iowa đang tiến hành diễn tập, đột nhiên phun lên một đám khói, một quả bom nặng 660 bảng nổ tung nòng pháo trung tâm của tháp pháo số 2. Tháp pháo số 2 trong nháy mắt bị khói đen dày đặc che phủ, trên quân hạm vô cùng hỗn loạn.

Trong vụ nổ này, có 47 thủy binh không may thiệt mạng, 1.517 người bị thương. Năm ngày sau, quân hạm Ai-ô-oa mang theo những cỗ quan tài phủ quốc kỳ Mỹ trở về cảng Mẹ - Norfolk bang Virginia. Tên họ của những người chết chờ đến sau khi linh mục đi theo quân đội đọc thông tri báo tử cho gia đình quân nhân, mới được công bố.

Vụ nổ này làm cho Oa-sinh-tơn chấn động mãi.

Tổng thống Bush nói vụ nổ này “là một đại bi kịch khiến người ta đau lòng”!

Theo Vũ Phong Tạo/ QĐND cuối tuần