(Chinhphu.vn) - TPHCM sẽ tập trung nguồn lực phát triển thành đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại khoa học- công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Sáng nay (14/4), UBND TPHCM tổ chức Hội nghị “Công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Nâng thu nhập bình quân lên gấp 3 lần Theo Quy hoạch vừa công bố, từ nay đến 2025, TPHCM đặt mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố lên gấp 3 lần, đạt gần 14.300 USD/người/năm (hiện nay thu nhập bình quân đầu người của thành phố là 4.513 USD/người). Trong giai đoạn 2011- 2015, Thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10-10,5% mỗi năm; giai đoạn 2016-2020 đạt từ 9,5 -10% mỗi năm và giai đoạn 2012 -2025 đạt 8,5 - 9% mỗi năm. Quy mô dân số TPHCM đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người; đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người (không kể khách vãng lai và người tạm trú dưới 6 tháng) Về phương hướng phát triển không gian đô thị, Thành phố sẽ tập trung phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực (hai hướng chính và hai hướng phụ) phát triển. Cụ thể, sẽ phát triển Thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp Thành phố tại 4 hướng phát triển với hai hướng chính là Đông và Nam, hai hướng phụ là Tây - Bắc và Tây, Tây- Nam. Trong đó hướng chính phía Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức) có hành lang phát triển là tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, và dọc tuyến xa lộ Hà Nội phát triển các khu đô thị mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Về cơ cấu kinh tế, Thành phố sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp. Theo đó, đến 2025, các khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 58-60%, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 39-41% và nông nghiệp chiếm 0,61-0,66%. Xây dựng 15 đô thị vệ tinh Theo Quy hoạch, dự kiến sẽ có 15 đô thị vệ tinh được phát triển từ nay đến năm 2030 để tạo sự liên kết cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm các địa phương: TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang). Các đô thị vệ tinh sắp được xây dựng gồm: Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An-Thuận An, Tân An, Gò Công, Bến Lức, Cần Giuộc. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hình thành theo hướng đa trung tâm nhằm tạo động lực để phát triển các vùng xung quanh, giảm áp lực cho khu vực trung tâm TPHCM. Ngoài 15 đô thị vệ tinh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 580 km đường bộ cao tốc, nâng cấp 80% đường giao thông nông thôn, hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc- Nam và khu đầu mối TPHCM, xây dựng đường sắt kết nối với các cảng biển, khu kinh tế lớn. Các trục cao tốc qua vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ bao gồm TPHCM-Long Thành -Dầu Giây; TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; TPHCM - Trung Lương (mở rộng); Biên Hòa - Vũng Tàu; Bến Lức- Nhơn Trạch- Long Thành. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với TPHCM mà còn đối với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Việc cụ thể hóa những mục tiêu, nhiệm vụ và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội sẽ góp phần tập trung nguồn lực, qua đó thực hiện thành công các mục tiêu trọng điểm. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nói trên, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị, các ban, ngành của Thành phố tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút nguồn lực trong nước và nước ngoài, cũng như từ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng. Các bộ, ngành có liên quan lập và điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn vùng phù hợp với những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển mà Quy hoạch đã đề ra. Phan Hoàng |