PNCN - Bị các con đánh đồng giữa chứng rối loạn lo âu với bệnh… tâm thần, từ đó có hành vi bạo lực gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe là câu chuyện đau lòng của bà Võ Thị Nở (ngụ P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM).
1. “Kính gửi: Ban giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa; Ban lãnh đạo Công an P.Bến Thành. Tôi là Lan. Mẹ tôi là bà Nở. Từ một năm nay bà có những biểu hiện tâm thần như leo trèo, chặn cửa, chạy theo khi tôi đi làm, sợ ma… nhưng tôi đã làm cam kết xin được giữ lại gia đình để chăm sóc và điều trị, dù biết tâm thần là bệnh phải cách ly, không thể để trong cộng đồng… Nay bệnh bà càng nặng… Vì nuôi bệnh bà rất tốn kém, mỗi lần đi khám và mua thuốc gần cả triệu đồng… Do vậy, chúng tôi làm đơn này xin ban lãnh đạo công an phường xác nhận tình trạng bệnh và tâm lý không ổn định của bà để chúng tôi gửi bà vào Dưỡng trí viện Biên Hòa. Xin ban lãnh đạo Dưỡng trí viện Biên Hòa vui lòng xem xét giúp gia đình tôi để chúng tôi có thể được gửi bà vào viện…”. Đưa tôi xem lá đơn có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố và Công an P.Bến Thành nói trên, bà Lan khẳng định: vậy là chứng bệnh tâm thần của mẹ đã được nhiều người công nhận. Bà cùng chồng dự tính sẽ gửi mẹ vào… chùa hoặc Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Ông Đình – chồng bà, còn quả quyết: “Như thế này là bệnh tâm thần chứ còn gì nữa” để biện minh cho hành vi ngược đãi, bạo hành của gia đình ông đối với bà Nở. Đó là hôm cả nhà đi vắng, bà Lan - ông Đình không chỉ khóa trái cửa nhốt mẹ bên trong mà còn xích bà Nở vào chân giường, cho đến khi chính quyền địa phương giải cứu. Mới đây nhất, bà Nở đã bị hai cháu ngoại - con của bà Lan, bạo hành; một người dùng ổ khóa đánh và một người dùng móng tay cào xé khiến bà xây xát khắp tay chân… Bà Nở thừa nhận: “Tụi nó đối xử với tui tệ lắm, đánh đập, bỏ đói; tiền bạc ai cho tui để thèm gì thì ăn đều bị lấy hết, nhưng tụi nó dặn tui không được ra ngoài nói với ai”. Rành mạch kể lại tất cả hành vi tệ bạc các con với mình, câu chuyện của bà Nở liên tục bị ông Đình ngắt quãng bằng những lời đe nẹt: “Mẹ bị tâm thần rồi, biết gì mà nói!”. Bà Nở với vết thương trên cổ tay do người thân gây ra 2. Nhiều người thân khác của bà Nở, gồm con dâu và các cháu (con của chị gái bà Nở) cho biết thêm, sở dĩ tình trạng bạo hành xảy ra là do bà bị các con… “phản bội”, sau khi đã tìm cách để bà sang nhượng lại tài sản là căn chung cư. Con dâu bà Nở nói thêm: “Chúng tôi cũng là người thân nhưng không thể đến gần mẹ. Gia đình chị Lan luôn tìm cách chia rẽ, mỗi lần chúng tôi đến thăm họ đều tỏ vẻ khó chịu, gây khó dễ”. Hơn một tháng nay, nhờ sự can thiệp của chính quyền, thỉnh thoảng bà Nở được các cháu đến đón đưa đi chơi, đi ăn uống cho khuây khỏa. Bà Nở có hai người con là bà Lan và ông Phương. Do con trai mất sớm, hoàn cảnh của con dâu cũng khó khăn, nhà cửa chật chội nên trước nay bà sống với vợ chồng Lan - Đình trong căn chung cư vốn trước là tài sản của bà. Giải thích về việc ký xác nhận lá đơn khẳng định bà Nở bị tâm thần, bà Phạm Thị Khải, tổ trưởng tổ dân phố cho biết: “Tôi chỉ thừa nhận những biểu hiện của bà Nở là có thật”. Ông Phùng Văn Hồng, cảnh sát khu vực Công an P.Bến Thành giải thích: “Trong lá đơn này, chúng tôi chỉ xác nhận bà Lan và bà Nở có hộ khẩu thường trú tại địa phương chứ không xác nhận việc bà Nở bệnh tâm thần”. Tuy nhiên, nhìn vào những xác nhận đó, dễ hiểu đây là sự khẳng định của người dân và chính quyền là bà Nở mắc bệnh. Chính gia đình bà Lan cũng coi lá đơn như một minh chứng mẹ mình mắc bệnh. Khi phóng viên đề cập đến sự tắc trách của chính quyền vì xác nhận một lá đơn như vậy, ông Hồng thừa nhận đã có sự thiếu sót và cho biết công an phường sẽ thu hồi lại lá đơn. Cũng theo ông Hồng, chuyện bà Nở bị con, cháu bạo hành, Công an P.Bến Thành đã nhiều lần lập biên bản và xử phạt hành chính, đồng thời phối hợp với các cơ quan như Hội LH PN, Ủy ban Mặt trận, Hội Người cao tuổi của phường tổ chức hòa giải, kêu gọi bà Lan đối xử tốt hơn với mẹ ruột của mình. Lá đơn xin chứng nhận mẹ bệnh tâm thần và đề nghị được gửi mẹ vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa của bà Lan 3.. Trình bày tâm nguyện hiện tại, bà Nở nói: “Tính ra, người thân gần gũi nhất với tui vẫn chỉ là vợ chồng con gái. Nhờ mọi người nói sao đó để chúng thương tui hơn, đừng chửi bới, đánh đập tui. Còn không thì nói giúp để Lan chịu chia đôi căn chung cư, phần tui ở sẽ không liên quan đến chúng. Mỗi ngày, con dâu và các cháu mang cơm đến cho tui ăn. Ai có cho tiền ăn vặt, tui cũng không sợ chúng lấy hết”. Tuy nhiên, tâm nguyện này rất khó khả thi, bởi do bận bịu mưu sinh, không ai có đủ thời gian để mỗi ngày qua lại cơm nước cho bà. Con dâu bà Nở đặt vấn đề: “Thà mẹ về ở hẳn với chúng tôi, chứ qua lại như vậy, những lúc chúng tôi vắng mặt, mẹ gặp phải chuyện gì sẽ không hay”. Tuy vậy, cả con dâu và các cháu của bà Nở đều đồng quan điểm là chỉ chấp nhận trực tiếp chăm sóc bà khi có… một khoản tiền. Họ vạch kế hoạch chia đôi căn chung cư, một nửa thuộc gia đình bà Lan, nửa còn lại thuộc về bà Nở sẽ bán đi, ai nuôi bà thì nhận khoản tiền ấy. Bà Nở năm nay đã 80 tuổi, sức khỏe, trí nhớ ngày càng kém nên việc lo sợ khi phải ở nhà một mình, trèo cửa lúc bị nhốt; phản ứng bằng cách la lối, níu tay người thân khi bị hăm dọa, đe nẹt cũng là chuyện bình thường. Lẽ ra, các con phải hiểu đó chỉ là bệnh của tuổi già để có sự cảm thông, động viên, chăm sóc nhẹ nhàng, chu đáo thì lại đánh đồng đó là biểu hiện của bệnh tâm thần, đòi phải cách ly. Ngồi co ro trong góc nhà, chăm chú nhìn vết thương do cháu ngoại gây ra, bà Nở buồn thiu: “Hồi xưa trẻ, có sức khỏe, vất vả làm lụng nuôi các con; giờ già cả, bệnh tật lại bị chính các con ghét bỏ, nên tui sống rất bất an”. Vết thương trên cổ tay bà sau một tuần đã sắp lành; nhưng những tháng năm tuổi già của bà phía trước, bao giờ mới hết chênh vênh? YÊN NHẠN
|