[Thế giới-Kienthuc.net.vn] - Liệu Nga có cơ hội tiến vào miền đông Ukraine?

(Kienthuc.net.vn) - Cơ hội để Nga thực hiện cuộc tấn công vào miền đông và nam Ukraine sẽ rơi vào khoảng những tuần đầu tiên của tháng 4 cho tới giữa tháng 5.

Hôm 21/3, ông Putin ký sắc lệnh cuối cùng chính thức sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga. Sau quyết định bước ngoặt này, hàng ngàn người dân Moscow và Crimea đã đổ ra đường ăn mừng sự kiện “trở về với đất mẹ”. Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận, hơn 90% người dân Nga tán thành “sáp nhập Crimea vào lãnh thổ”. Do đó, tỷ lệ tín nhiệm dành cho Tổng thống Putin cũng tăng vọt lên. Điều này thể hiện khá rõ rệt trong bài diễn văn cảm động kéo dài 50 phút trước khi hiệp ước “tái thống nhất Crimea”. Cũng trong bài diễn văn này, ông Putin hứa hẹn, “Nga không muốn cắt đứt quan hệ với Ukraine”. Lời hứa hẹn của vị nguyên thủ Nga có thực sự đáng tin? Tuy nhiên, tình hình thực tế chưa chắc đã theo đúng suy tính của ông Putin. Crimea, đơn vị hành chính non trẻ nhất của Nga, phụ thuộc sâu sắc vào vùng đất liền Ukraine, nơi cung cấp điện, nước, và lương thực. Liên kết đường bộ duy nhất giữa Crimea và Nga là chiếc phà chạy ngay qua Kerch nối bán đảo Crimea với vùng Taman, Bắc Caucasus thuộc Nga. Trước tình hình đó, ngay khi chính thức sáp nhập Crimea, giới chức Nga lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện tại Crimea và một cây cầu bắc ngang Kerch và Taman.

Binh sĩ Nga canh gác ở một trạm kiểm soát ở Crimea, gần thị trấn Armyansk.

Song, các dự án này tiêu tốn hàng tỷ USD và phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Viêc duy trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Crimea nhằm giảm sự lệ thuộc của vùng này vào Ukraine có thể mất hàng chục tỷ USD. Trước những kế hoạch lâu dài này, Nga không khỏi lo ngại, vùng bán đảo Crimea cô lập này sẽ phải đối diện với những thách thức từ chinh quyền ở Kiev. Kịch bản này cũng nằm trong sự suy đoán của Tổng thống Putin. Trước đó, Moscow tuyên bố, họ không công nhận bất cứ chính quyền nào ở Kiev hay kết quả của bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Ukraine cho tới khi một hiến pháp mới được thông qua. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi chính quyền Ukraine chuyển đổi mô hình nhà nước hiện tại sang mô hình nhà nước liên bang. Theo đó, mô hình nhà nước mới này sẽ làm thay đổi “vành đai các khu vực chính sử dụng tiếng Nga” bên trong lãnh thổ Ukraine vào “thực thể bảo hộ của nước Nga”. Việc kiểm soát các khu vực nói tiếng Nga này sẽ cho phép Moscow dễ dàng “vươn tay” tới khu tự trị Transdniester thuộc Moldova ở dọc theo biên giới phía tây Ukraine, nơi Nga vẫn duy trì một đơn vị giữ gìn hòa bình. Trước đe dọa trên, chính quyền Kiev tuyên bố, đề xuất thành lập chính quyền liên bang ở Ukraine là “không thể chấp nhận được”. Với những cảnh báo đáng lo ngại như vậy, Tổng thống lâm thời Olexander Turchinov của Ukraine thông báo, lực lượng Kiev sẽ “chấp nhận trận chiến” nếu Moscow xâm lấn lãnh thổ họ. Họ đã có sự chuẩn bị khá kĩ lưỡng về cả nhân lực và vật chất. Điển hình, hôm 17/3, Quốc hội Ukraine bỏ phiếu tổng động viên khoảng 40.000 nam giới tham gia nhập ngũ để tăng cường sức mạnh lực lượng quân đội vốn đã bị trì trệ. Lực lượng Vệ binh Quốc gia theo đó cũng đã ra đời với 20.000 tình nguyện viên tham gia. Cộng vào đó, họ cũng huy động một loạt các vũ khí hạng nặng thời Liên Xô đạn dược, xe tăng, súng hạng nặng, máy bay phản lực, trực thăng và tên lửa phòng không. Song, hầu hết trong số chúng đều nằm trong kho hoặc lỗi thời.

Các binh sĩ Ukraine dựng hào chắn bằng những bao cát ở khu vực miền đông giáp biên giới với Nga hôm 20/3.

Trong khi Ukraine tích cực khẩn trương chuẩn bị cho cuộc chiến này, Tướng Không quân Mỹ kiêm Tổng Tư lệnh NATO ở châu Âu Philip Breedlove cảnh báo, lực lượng Nga dọc biên giới Ukraine đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Vị tướng Mỹ còn cung cấp thêm một số thông tin cụ thể cho lời khẳng định trên của mình. Lính nhảy dù và Không quân Nga được nhắm tới ở vị trí tiên phong trong cuộc đổ bộ sang lãnh thổ láng giềng (nếu có). Theo đó, lính nhảy dù trang bị vũ khí hạng nhẹ sẽ đảm nhiệm việc “chiếm giữ các sân bay của đối phương”. Nhóm này được yểm trợ bởi các lữ đoàn xe tăng - thiết giáp. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận điều này. Nếu như Tổng thống Putin quyết tâm thực hiện tham vọng này, ông sẽ có rất ít cơ hội để hành động. Trước tiên, mùa đông ở Nga và Ukraine thường có khí hậu rất lạnh, tuyết rơi dày. Trong khi mùa xuân tới khá sớm và tiết trời ấm áp, đất nhanh chóng khô lại. Điều này càng làm cho những mẫu xe quân sự hạng nặng khó lòng di chuyển trên con đường cao tốc hay các vùng đất ở khu miền nam Ukraine, tiếp giáp với Biển Đen và Biển Azov. Chưa kể, thời điểm 1/4 đánh dấu ngày hội nhập ngũ của những thanh niên đến tuổi đi lính nghĩa vụ. Lúc này, 130.000 binh sĩ nghĩa vụ tham gia từ năm trước sẽ xuất ngũ để nhường chỗ cho lớp lính mới. Điều này gây tác động không nhỏ tới tinh thần chiến đấu của những binh sĩ mới nhập ngũ từ cách đó nửa năm. Nhằm tránh gây xáo động cho toàn quân, quan chức Nga có thể tính tới chuyện, gia hạn thời gian nhập ngũ của những lính nghĩa vụ sắp xuất ngũ thêm một vài tháng. Song, đó chỉ là hướng giải quyết trong tình thế cấp bách. Về lâu dài, kế hoạch này không thể áp dụng được. Với những yếu tố khách quan nêu trên, chỉ cho tới tháng 8 hay tháng 9, lực lượng Quân đội Nga mới lấy lại đủ phong độ để sẵn sàng tham gia chiến đấu. Trong quãng thời gian đó, Ukraine sẽ càng tranh thủ tận dụng để tăng cường sức mạnh của quân sĩ. Trước những phân tích này, cơ hội để Nga thực hiện cuộc tấn công vào miền đông và nam Ukraine sẽ rơi vào khoảng những tuần đầu tiên của tháng 4 cho tới giữa tháng 5. Thanh Nga (theo FP)