Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra rằng thế hệ tên lửa xuyên lục địa Unha-3 của Triều Tiên được sản xuất từ linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc hay thậm chí Thụy Sỹ.
Trong bản báo cáo mới được công bố một phần vào hôm 10/3 vừa qua, Hội đồng chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã cho biết, họ phát hiện rất nhiều loại linh kiện có nguồn gốc xuất xứ từ những quốc gia được coi là “kẻ thù không đội trời chung” của Triều Tiên như Mỹ, Anh, Hàn Quốc… trong mẫu tên lửa Unha-3 của nước này. Điều đáng nói là những loại linh kiện này lại hoàn toàn không vi phạm vào lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc. Thậm chí người ta còn phát hiện Triều Tiên đã tháo dỡ một số quả tên lửa SCUD từ thời Xô viết để lấy linh kiện lắp vào Unha-3. Đây quả thực là một thông tin đáng báo động bởi nó cho thấy, bất chấp các lệnh cấm vận ngặt nghèo của thế giới, Triều Tiên vẫn có thể “lách luật” để chế tạo những loại vũ khí tinh vi, phức tạp từ các loại linh kiện được buôn bán thông thường trên thị trường thế giới. Có rất nhiều loại linh kiện nằm trong diện nghi ngờ lại là những thành phần của một chiếc máy tính thông thường. Tuy nhiên, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng đã phát hiện một bộ giải mã video được sản xuất ở Mỹ, các loại cảm biến đo nhiệt độ và áp suất của Anh, bảng mạch điện tử của Hàn Quốc… và những linh kiện máy tính khác được sản xuất trong khoảng từ năm 2003-2010. Một số loại linh kiện khác “chắc chắn không phải của Triều Tiên” nhưng Liên Hợp Quốc không thể truy ra được nguồn gốc thực sự là từ quốc gia nào. Kẽ hở lớn nhất trong trường hợp này là các loại hàng hóa, linh kiện lưỡng dụng (loại có thể sử dụng trong quân sự hoặc trong dân sự) nhưng Liên Hợp Quốc lại không thể làm gì được hơn nữa. "Danh sách các loại linh kiện lưỡng dụng hay quân dụng hiện đã rất ngặt nghèo. Nếu bổ sung thêm vào danh sách này thì có thể sẽ khiến chính các nước thành viên gặp khó khăn trong những thương vụ mua bán linh kiện, khí tài quân sự hợp pháp”, trang tin NK News trích lời ông Lawrence Dermody, một chuyên gia phân tích về thị trường vũ khí bất hợp pháp của Viện nghiên cứu Hòa Bình quốc tế ở Stockholm. “Nếu các vị ban hành lệnh cấm các linh kiện mà bản thân nó vốn không phải sinh ra để sử dụng trong quân sự nhưng nước khác vẫn có thể dùng để chế tạo tên lửa thì liệu chúng ta sẽ phải cấm bao nhiêu cho đủ?”, một nguồn tin giấu tên tại Liên Hợp Quốc nói với hãng tin RT (Nga). Quá trình điều tra của các chuyên gia Liên Hợp Quốc chỉ thu được 2 loại linh kiện có khả năng vi phạm lệnh cấm vận nhưng cuối cùng họ lại không thể phát hiện nguồn gốc của chúng là từ đâu và phỏng đoán, rất có thể đó là những linh kiện do Liên Xô sản xuất từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hiện nay, việc xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp bất kỳ một loại linh kiện nào có thể được sử dụng trong chương trình chế tạo tên lửa của Triều Tiên đều phải nhận án phạt tù lên đến 20 năm hoặc phạt tiền lên đến 1 triệu USD.
Vào thời điểm bản báo cáo được xuất bản, đại diện phía Mỹ vẫn chưa trả lời cho Ủy ban chuyên gia của Liên Hợp Quốc về vấn đề linh kiện Mỹ xuất hiện trong tên lửa Triều Tiên. "Tôi hy vọng rằng chính phủ Mỹ, với vai trò là một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, sẽ đáp ứng yêu cầu về nghĩa vụ của mình theo Nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ năm 2094 để điều tra về nguồn cung ứng hàng xuất khẩu này", chuyên gia Joshua Stanton của LHQ nói với NK News. Trong khi đó, hôm thứ Tư vừa qua, Bĩnh Nhưỡng đã phóng ra biển 2 quả tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong – mẫu tên lửa tiền thân của Unha-3. Đây là lần phóng đầu tiên của Triều Tiên trong vòng 4 năm qua và được cho là để “đáp trả” Mỹ - Nhật – Hàn trong việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân diễn ra tại The Hague (Hà Lan) và để tỏ thái độ với cuộc tập trận của liên minh Mỹ - Hàn tại biển Hoàng Hải. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cảnh báo rằng hành động này của Triều Tiên “có thể làm suy yếu lòng tin trong khu vực”. "Tổng thư ký kêu gọi CHDCND Triều Tiên ngừng các hoạt động tên lửa đạn đạo của mình và tập trung, cùng với các nước khác có liên quan, thông qua các cuộc đối thoại và hoạt động ngoại giao cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh khu vực", phát ngôn viên của ông Ban Ki- moon cho biết. Triều Tiên rất hiếm khi phóng tên lửa Rodong ngoại trừ hai lần thử nghiệm là vào tháng Bảy năm 2006 và tháng Bảy năm 2009. Ước tính, hiện nay Triều có từ 50 đến 100 tên lửa như vậy trong kho vũ khí của mình. Lương Minh |