Không chỉ miền Nam, giờ cái nóng cũng đã nhanh chóng bao trùm các tỉnh thành phía Bắc, báo hiệu mùa sâu bọ, dịch bệnh mới là rộ lên.
Theo dự báo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vùng áp thấp nóng phía tây mở rộng đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, khiến nhiệt độ tăng cao, một số nơi ở khu Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi Bắc Trung Bộ đã có nắng nóng với nhiệt độ ở khoảng 35 – 37 độ C. Kể cả các vùng ven biển cũng đã cảm nhận được sự khó chịu của những đợt nắng chuyển mùa, không quá gay gắt nhưng dễ sinh tâm lý mệt mỏi, uể oải. Tâm không khỏe cũng là lúc các loại bệnh tật, năng lượng tiêu cực dễ bề xâm nhập vào cơ thể nhất. Các tỉnh miền Nam là nơi đầu tiên cảm nhận rõ nét nhất sự khắc nghiệt mà trời nóng mang lại. Thời gian qua, lượng bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, có dấu hiệu gia tăng. Theo VOV, nắng nóng làm cho số bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 khoảng 6.000 lượt/ngày, bệnh viện Nhi đồng 2 tăng từ khoảng 4.000 lượt-7.000 lượt/ngày. Trong đó, đông nhất là các bệnh về hô hấp và tiêu hóa như viêm phế quản, tiêu chảy cấp… trong khi dịch sởi, thủy đậu, tay chân miệng tiếp tục đe dọa sức khỏe của trẻ nhỏ. Giai đoạn chuyển mùa thường dễ sinh bệnh nhất, do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, trong nhà ngoài phố, trước và sau khi tắm rửa, phòng có điều hòa với bên ngoài phòng… thường cao, cơ thể thích ứng không kịp và dễ bị các loại bệnh tật, virus tấn công. Sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột đặc biệt rất có hại cho các bệnh nhân tim mạch, khi mạch không kịp thích ứng. Với những người bị bệnh tim do thiếu máu cục bộ, mạch bị co lại, nếu tắm bằng nước lạnh thì mạch càng co thêm, kích thích những cơn đau thắt ngực và thậm chí cả nhồi máu cơ tim. Không những vậy, độ ẩm cao còn khiến thức ăn nhanh chóng bị đổi vị. Sàn nhà, bờ tường ẩm ướt, nước đọng trở thành môi trường lý tưởng cho ruồi muỗi phát triển. Trong khi đó, ở các tỉnh thành miền Trung, nắng nóng không chỉ khiến người dân “khó thở” mà hạn hán đến sớm khiến mực nước ở các hồ chứa và hồ thủy điện lớn trong khu vực thấp hơn mực nước cùng kỳ năm trước khoảng 1 đến 4m, làm hơn 12.000 ha lúa thiếu nước nghiêm trọng, trong đó tỉnh Bình Thuận bị ảnh hưởng nặng nề nhất với diện tích khoảng 5.000 ha, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết. Nhiệt độ cao cũng luôn đi kèm với những cơn mưa bất chợt rất khó lường. Theo dự báo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong tuần tới, trời có thể năng mưa rào, mưa to rải rác ở một số nơi, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh thành miền núi, rất dễ xảy ra lũ quét và đe dọa sự an toàn của các phương tiện đi lại trên đường. Hạn hán, rồi những cơn mưa nguy hiểm chợt đến chợt đi khiến người nông dân thêm phần lo lắng. Chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014 theo chỉ đạo của Chính phủ đã bắt đầu, nhưng lại trục trặc ở khâu thực hiện do phần lớn các doanh nghiệp đều dự báo giá sẽ còn giảm mạnh nên chưa muốn mua vào. Chương trình thì do nhà nước phát động, nhưng theo ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc doanh nghiệp Thịnh Phát (Bến Tre), “quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm việc thực hiện mua tạm trữ của mình, tức “lời ăn, lỗ chịu”, trong khi đầu ra xuất khẩu đang gặp khó khăn, giá thị trường nội địa thì ở mức khá cao nên chúng tôi chưa muốn mua vào”. Giá lúa gạo trong nước vì thế sau khi nhích lên được một chút liền quay đầu đi xuống. Theo bà Ngô Ngọc Yến - Giám đốc gạo Yến Ngọc (TP.HCM), giá lúa gạo nội địa giảm cũng không loại trừ khả năng có thể do doanh nghiệp xuất khẩu bắt tay nhau “đè” giá xuống. Các doanh nghiệp xuất khẩu yếu ớt trong cuộc cạnh tranh với các thị trường khác, chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là nông dân. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nhiều cánh đồng lúa đã vàng ươm nhưng chưa thể thu hoạch do thương nhân bỏ hợp đồng, bỏ tiền cọc và một phần là vì không tìm được người mua. Trong khi đó, nếu chỉ có mỗi chiến lược “giá rẻ” để giành hợp đồng thì không những giá trị thu về thấp mà gạo Việt Nam càng khó có thương hiệu trên thị trường, cũng tức là mất đi một phần trọng lượng trên các bàn đàm phán. |