[Xã hội-Báo Biên phòng] - Cây ngô lai trên vùng biên giới xứ Thanh

Chiếc xe khách ì ạch chở chúng tôi vượt đèo, vượt dốc từ thị trấn Thường Xuân lên xã vùng cao Bát Mọt. Quãng đường 70km nhưng đi hết gần 4 tiếng đồng hồ. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khả dĩ hơn, bởi từ huyện lỵ lên xã vùng cao này chỉ có chuyến xe ấy, mỗi ngày một hành trình, chở hàng nhiều hơn chở khách. Sự đi lại khó khăn đã báo trước cái nghèo khó của xã vùng cao này. Nhưng cũng chính từ nơi gian khó ấy, BĐBP đã bám biên, bám bản bảo vệ biên cương và giúp dân xóa đói, giảm nghèo.


Cán bộ Đồn Biên phòng Bát Mọt xuống bản.
Câu chuyện cây ngô lai

Chúng tôi đặt chân tới trụ sở Đồn BP Bát Mọt, BĐBP Thanh Hóa khi trời đã về chiều. Mây mù tràn xuống sân đồn mang theo hơi lạnh từ núi. Cách đó không xa, dãy núi trước mặt dù không cao nhưng cũng không thể nhìn thấy ngọn. Cán bộ ở đồn bảo rằng, từ nay đến hết tháng 4 là mùa của sương mù, mây mù. Ở đây quanh năm phải đắp chăn, nằm đệm, mặc áo ấm. Thời tiết khắc nghiệt, đời sống của bà con dân bản rất khó khăn, nghèo đói.

Người dân xã Bát Mọt chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Do địa hình bị chia cắt, giao thông trắc trở, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu vẫn là nông nghiệp tự cung tự cấp. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 1/3 diện tích đất nông nghiệp. Theo ông Lang Quang Trung, Trưởng thôn Đục: "Thời tiết xã Bát Mọt nói chung và thôn Đục nói riêng rất khắc nghiệt, vào thời điểm tháng 2, 3 (âm lịch), nhiệt độ khoảng 00C. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt cộng thêm hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất không có, nên nhân dân chỉ sản xuất 1vụ/năm (vụ lúa mùa), khiến cho diện tích đất nông nghiệp khoảng 563ha bỏ không 6 tháng". Hơn nữa, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất cây trồng thấp.

Trong lúc khó khăn giăng như mây mù thì một niềm hy vọng mới thắp lên: Cây ngô lai nảy mầm trên vùng cao Bát Mọt. Thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (thuộc Nghị quyết 30a), từ vụ xuân 2011, Trạm Khuyến nông huyện Thường Xuân đã phối hợp với UBND xã Bát Mọt, Đồn BP Bát Mọt đưa mô hình thâm canh cây ngô lai trên diện tích đất nông nghiệp 1 vụ ở thôn Đục và thôn Vịn.

Nhận thấy đây là một hướng đi mới, có thể giúp đồng bào cải thiện được cuộc sống, Đồn BP Bát Mọt đã kết hợp với UBND xã và Trạm Khuyến nông Thường Xuân triển khai chương trình xuống thôn bản. Vấn đề đầu tiên là thuyết phục được bà con tham gia vào chương trình. Công tác vận động quần chúng của đồn BP được đẩy mạnh. Lãnh đạo đồn đã cử Thiếu tá Cao Mạnh Hùng phụ trách việc động viên bà con tham gia thử nghiệm trồng cây ngô lai. Thiếu tá Hùng là một cán bộ có kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác vận động quần chúng, cũng là người am hiểu và nắm rõ từng gia đình, từng con người từ già tới trẻ ở xã vùng cao này.

Sau khi đi khảo sát, kiểm tra tình hình thực tế của địa phương, Trạm Khuyến nông huyện đã đưa giống ngô lai DK9955, DK6919 vào gieo trồng thử nghiệm trên 5ha đất nông nghiệp ở thôn Đục và thôn Vịn. Cán bộ đồn BP, trực tiếp là Trung úy Phùng Văn Hải, người được anh em trong đồn đặt biệt danh "Hải ngô", là người rất am tường về loại cây trồng này, kết hợp với nhân viên trạm khuyến nông hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật trồng ngô. Bà con còn được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình thực hiện, cán bộ chuyên môn của trạm khuyến nông kết hợp với UBND xã và cán bộ Đồn BP Bát Mọt thường xuyên xuống địa bàn kiểm tra tình hình sinh trưởng, sâu bệnh hại trên cây ngô và có biện pháp xử lý kịp thời.

Không phụ công người, ngay từ vụ đầu tiên triển khai thí điểm, cây ngô lai đã cho năng suất đạt gần 500kg/sào, gấp 2 lần giống ngô cũ. Từ thành công của vụ thí điểm đầu tiên, bà con dân bản đã hoàn toàn tin tưởng và tham gia tích cực vào chương trình trồng cây ngô lai. Vì thế, số hộ tham gia vào chương trình ngày một tăng và diện tích trồng cây ngô lai trên đất nông nghiệp của xã Bát Mọt ngày càng nhiều. Cây ngô lai dần dần đã khẳng định được sức sống và ưu điểm vượt trội, trở thành cây "xóa đói, giảm nghèo" cho xã vùng biên này. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bát Mọt thêm một lần nữa ghi dấu ấn trong niềm tin yêu của bà con dân bản.

Nỗi lo còn đó

Mặc dù vậy, xung quanh câu chuyện về cây ngô lai trên vùng biên giới xứ Thanh còn nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Khó khăn vẫn còn đó, đòi hỏi cần tháo gỡ để cây ngô lai thực sự trở thành chiếc cần câu cho bà con thoát nghèo. Bên cạnh sự cách trở về giao thông thì vấn đề tiên quyết nhất cần được khai thông chính là giải quyết khó khăn về thủy lợi. Ở vùng thừa sương, thiếu nước như Bát Mọt, cơ sở hạ tầng chủ động phục vụ cho tưới tiêu hầu như không có. Không có kênh, mương để dẫn thủy nhập điền, cho nên việc nuôi trồng trông cậy hoàn toàn dựa vào nước trời. Có đến 6 tháng trong năm, đất đai màu mỡ nhưng do thiếu nước nên không thể trồng cấy. Cây ngô lai dù cho năng suất cao, nhưng tổng sản lượng hàng năm lại không lớn, bởi vậy, không thể thu hút thương lái tới mua. Bà con dân bản cho biết: Các thương lái khẳng định, nếu có nhiều ngô thì dù đường đi khó khăn đến mấy, họ vẫn tới thu mua, nhưng sản lượng thấp thì không thể vượt đường xa, đường dốc để mua giúp bà con được.

Sắc áo xanh trên cánh đồng ngô lai.

Ngô lai vốn chỉ được sử dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, nếu không bán được, bà con cũng chỉ để nuôi gia súc, gia cầm. Một vòng vây luẩn quẩn, tự cung tự cấp vì thế lại lặp lại. Giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm lại bắt nguồn từ vấn đề đầu vào. Bài toán đã có lời giải, tuy nhiên, thực hiện giải toán cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành để cây ngô lai trụ vững trên mảnh đất vùng biên.

Trên đường từ bản Đục, bản Vịn về Đồn BP Bát Mọt, những tâm sự của bà con dân bản, của cán bộ biên phòng còn mãi trong tâm tưởng chúng tôi. Từ bản về đồn chừng 8km là quãng đường dốc nối dốc, đèo nối đèo, đường trơn trượt, mây mù che tầm mắt, người và phương tiện có thể lao xuống vực bất kể lúc nào. Quãng đường ấy phải qua ngọn núi Pù-khoai-lăn, theo giải thích của Thiếu úy Hà Văn Tú là: "Con trâu lăn", có nghĩa là đường dốc quá, trâu có đi lên cũng bị lăn xuống. Thế mới thấy hết được những khó khăn về giao thông cách trở để dân bản về xuôi, để cán bộ đồn lên bản. Vậy mà bao năm qua, người lính biên phòng vẫn bám biên, bám bản, dân bản vẫn vượt núi, vượt dốc để tìm cách thoát đói nghèo, thoát khổ. Từ một vùng sương mù không sóng, không điện, tới nay, sóng điện thoại đã phủ, điện đã thắp sáng bản làng. Hy vọng rằng, một ngày không xa, trên vùng cao Bát Mọt, hệ thống kênh mương được xây dựng để đưa nước về ruộng, đường sá được cải tạo, hoàn thiện để cây ngô lai bám ruộng nương, hạt ngô lai về xuôi đổi lấy ấm no cho dân bản.

Trần Mai - Hoa Phương