[Thế giới-iHay.vn] - Độc hành Xuyên Việt trong 18 ngày - Kỳ 3: Đêm cô đơn trên đường Trường Sơn

(iHay) Nghỉ trưa xong, tôi quay lại đường mòn theo đường tỉnh lộ 74 qua cầu Đuồi đến ngã ba Cam Lộ. Từ đây tôi chạy dọc đường quốc lộ 9 hướng thẳng Khe Sanh, sát biên giới với Lào.


Bên đường Hồ Chí Minh hướng đi Cam Lộ

Quốc lộ 9 là tuyến đường nổi tiếng trong thời chống Mỹ với chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968. Ngày nay nó là một phần của tuyến đường xuyên Á đi qua cửa khẩu Lao Bảo và là hành lang kinh tế chiến lược.

Trời nắng nóng và càng hướng về phía biên giới, tôi càng cảm nhận rõ hơn những cơn gió Lào khô khốc. Cái nắng làm tôi mệt mỏi và buồn ngủ kinh khủng. Tôi phải dừng xe bên vệ đường, dưới tán tre và tranh thủ chợp mắt. Điều này làm tôi bị trễ lịch trình và không thể đến thành phố Huế nghỉ tối.




Trời nắng nóng bên đường đi Lao Bảo

Tôi tới làng Vây, một địa danh lịch sử ngay sát bên đường chính, chỉ cách một ngách đường nhỏ đã trải nhựa chừng trăm met, hai bên đồi có vài lán tranh lụp xụp. Đầu đường là một tượng đài nơi để chiếc xe tăng PT-76 đã rỉ cũ. Khung cảnh sơ sài này không khỏi làm tôi thất vọng.



Xe tăng mô hình đầu cứ điểm làng Vây

Được biết cứ điểm làng Vây là cứ điểm kiên cố trong hệ thống phòng thủ Đường 9 – Khe Sanh của quân đội Mỹ. Đây cũng là nơi diễn ra chiến dịch đầu tiên có sự góp mặt của đoàn tăng thiết giáp của quân đội ta. Chiến thắng Khe Sanh giải phóng Hướng Hóa – Quảng Trị đã tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968.

Tiến về thị trấn Lao Bảo, điểm đầu tiên tôi tới là cửa khẩu Lao Bảo – khu kinh tế cửa khẩu quan trọng bậc nhất tại Việt Nam. Rất nhiều hàng hóa được thông thương ở đây. Vì thời gian gấp, tôi để xe ngoài và tính chỉ chụp kiểu hình tại cửa khẩu rồi ra luôn. Ai dè bị bảo vệ đuổi theo bắt quay ra. Thậm chí tôi còn không kịp chụp bất cứ khung hình nào.



Tượng đài chiến thắng Khe Sanh

Từ cửa khẩu tôi hỏi đường đến nhà tù Lao Bảo, là một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương thời Pháp thuộc. Tuy nhiên cũng như làng Vây, địa điểm này cũng gây thất vọng với tôi vì sự xuống cấp nặng nề và dường như nó đã bị bỏ quên đã lâu. Có biển và cổng thu vé nhưng lúc tôi đến không thấy ai, lại đành lách vào xem nhanh.

Trước cổng nhà tù là bãi cỏ với đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Bên trong là những bức tường, khối bê tông đổ nát, cây cối mọc um tùm và rễ cây trồi cả lên nền đường bê tông. Điểm đáng chú ý duy nhất là những khối tượng đài chứng tích tội ác được sơn đỏ với vẻ uy nghi, hào khí chiến đấu. Khung cảnh hoang tàn, vắng lặng dưới những tia nắng cuối ngày khiến tôi khá lạnh gáy. Thời gian gấp gáp, tôi vội vã rời Lao Bảo.




Cổng vào khu nhà giam Lao Bảo



Những khu nhà giam đổ nát hoang phế





Những khối tượng đài chứng tích tội ác được sơn đỏ với vẻ uy nghi, hào khí chiến đấu



Ánh mặt trời xế chiều xuyên qua tán cây, reo rắc những tia nắng vàng vọt xuống nền sân nứt nẻ phủ kín lá và hoa

Lịch trình dự kiến là nghỉ đêm tại thành phố Huế và dù muộn nhưng tôi cũng không muốn thay đổi. Qua Khe Sanh, đến cầu Da krong. Tôi rất ấn tượng với cây cầu treo hùng vĩ bắc qua sông Thạch Hãn này. Tôi tra bản đồ và thấy vẫn có thể về Huế qua đường này, thế là quyết tâm đi luôn.

Bầu trời rực rỡ với những đám mây hồng. Hoàng hôn đang buông xuống nơi đường Trường Sơn hoang vắng. Đường đèo quanh co khúc khuỷu, một bên là dãy Trường Sơn hùng vĩ, bên kia là dòng sông uốn lượn.



Tuyến đường rộng thênh thang nối từ cửa khẩu vào trung tâm Lao Bảo



Cậu bé ngay sát khu cửa khẩu Lao Bảo

Trời tối hẳn, đường thì quanh co và vắng lặng. Đi nhiều cây số mà không thấy bóng người, bản làng, cảm giác cô đơn lạnh lẽo khó tả. Tôi đã tự trách mình quá mạo hiểm mà đi vào cung đường chưa định trước này.

Đi mãi rồi cũng gặp bản làng, hỏi người dân thì họ khuyên tôi nên ngủ tại đây, hoặc đến thị trấn A Lưới nghỉ. Thú thực là A Lưới chưa có trong hành trình của tôi, nhưng bây giờ tôi đang phải hướng tới nơi đó.



Cầu treo Da krong hùng vĩ bắc qua sông Thạch Hãn



Mặt trời khuất núi nơi hoang vắng đường đèo



Màn đêm lạnh lẽo trên đường Trường Sơn

Tầm gần 21 giờ, tôi gần tới thị trấn.Thị trấn rất nhỏ, nằm dọc đường trục chính. Rất nhanh tôi đã hỏi được một nhà nghỉ bằng gỗ, khá lịch sự với giá 120.000 đồng.

Nhận phòng, tôi gọi điện về nhà ngay cho người bạn nhờ tìm thông tin về thị trấn nhỏ này. Những gì tôi nhận được là biết đến thì A Lưới là địa danh khốc liệt trong chiến tranh với đồi A Bia (người Mỹ gọi là đồi thịt băm – Humburger Hill, đã lên phim cùng tên) với chuỗi thác A Nor.

Tắm rửa vội vàng, tôi lượn vòng tìm quán ăn. Thật khó có nhiều đồ ở thị trấn bé xíu này. Tôi ăn tạm cháo lòng và nhận được câu hỏi từ bác bán cháo là đến đây làm gì. Có vẻ thị trấn rất ít khách lạ. Quả là một trải nghiệm thú vị ở thị trấn nhỏ bé nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn huyền thoại.

Buổi sáng, những thông tin hấp dẫn của người bạn về chuỗi thác A Nor có 7 tầng làm tôi không khỏi tò mò. Tôi quyết định hỏi đường nhưng có chút lưỡng lự khi biết đường đi khá phức tạp. Thác nằm sâu trong rừng và phải gửi xe đi bộ, băng rừng khá xa. Tôi bắt gặp một gia đình du lịch và theo cùng. Tuy nhiên tôi chỉ đi đến thác tầng thứ 3 là quay về vì sợ muộn lịch trình.




Chuỗi thác Anor



Lưu niệm với gia đình cùng leo thác

Phượt ký của Ngô Huy Hòa