Trang mạng này đang có xu hướng được người dùng biến thành một trang để truyền đi những thông điệp mang tính lăng mạ, xúc phạm thậm chí có tính khiêu khích tình dục...
Ask.fm là một trang mạng xã hội thiết lập theo định dạng hỏi – đáp giấu tên. Ứng dụng trên hiện đang trở thành trào lưu mới của cộng đồng mạng Việt Nam, tiếp nối với trào lưu Confession trước đó. Tính đến nay, Ask.fm trên thế giới đã có gần 100 triệu tài khoản được tạo. Cách tạo tài khoản của trang mạng này khá đơn giản; bạn chỉ cần chọn cách đăng nhập qua Facebook, Twitter hay Google+ là có thể nhanh chóng truy cập vào để đặtt những câu hỏi, những thắc mắc dành cho người bạn quan tâm mà không lo sợ bị phát hiện danh tính. Tuy vậy, bất cứ điều gì cũng có mặt trái của nó; không ít người dùng đã phải đối mặt với những câu hỏi nặc danh nhạy cảm, ảnh hưởng đến tâm lý. Ask.fm lại có thể dẫn đến những điều tiêu cực. Theo trang Webwise, trang mạng này đang có xu hướng được người dùng biến thành một trang để truyền đi những thông điệp mang tính lăng mạ, xúc phạm thậm chí có tính khiêu khích tình dục. Còn với Dail Mail, Ask.fm lại là một loại hình đe dọa trực tuyến kinh khủng nhất, là nguyên nhân của một số vụ tự tử trên thế giới. Vậy tại sao Ask.fm lại có thể dẫn đến những điều tiêu cực như thế? Có thể nói, những nội dung trên Ask.fm không hề được giám sát bởi nhà cung cấp. Chính trên điều khoản sử dụng của mình, Ask.fm cũng khẳng định “Ask.fm sẽ không quản lý những nội dung vô danh được đăng lên.” Điều đó đồng nghĩa với việc những kẻ cơ hội sẽ thoải mái đặt các câu hỏi phản cảm, mang tính lăng mạ mà không lo sợ bị tố cáo. Ngoài ra, khi nhận được những câu hỏi khiếm nhã, bạn có thể Block (chặn) người đăng câu hỏi đó. Tuy vậy, khi bạn làm thế, bạn phải nêu rõ lý do, còn người bị chặn thì vẫn có thể tiếp tục truy cập trang cá nhân của bạn để theo dõi những cuộc hội thoại khác. Gần đây, một số trường học ở Anh đã khuyến cáo phụ huynh và học sinh không nên sử dụng Ask.fm vì những tác hại nghiêm trọng của trang mạng này. Vào tháng 8/2013, dư luận trên thế giới đã rúng động trước thông tin một bé gái 14 tuổi tại Anh tự tử vì không chịu nổi những lời lăng mạ trên Ask.fm. Trước vụ việc này, thủ tướng Anh David Cameron nói rằng: “Với tư cách là bậc cha mẹ và những người dùng internet, các bạn hãy chọn cách ngưng sử dụng những trang web thấp kém. Hãy tẩy chay, không nên tham gia hay truy cập vào chúng. – đó là những điều ta nên làm. Tôi rất trông mong hành động của các bạn để có thể ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra.” Ở Việt Nam, những hành động “ném đá giấu tay” này mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ khai như chọc phá, châm chích với các câu hỏi nhạy cảm như: “Tư thế yêu thích khi quan hệ của bạn là gì?” hay “Bây giờ bạn còn wet dream không?”. Tuy thế, điều đó không có nghĩa là những hành động này sẽ dừng lại ở đó. Rất có thể, trào lưu này sẽ dẫn tới một hệ quả to lớn hơn. Hãy cân nhắc khi chọn lựa sử dụng trang mạng xã hội này. Đồng thời, bạn cũng nên là một người dùng internet thông minh, có trách nhiệm và đạo đức. Đừng để những trò đùa của mình đi quá lố; vì, biết đâu đấy, có thể khi bạn viết những dòng vô nghĩa đó, bạn có thể làm tổn thương một con người bằng xương bằng thịt như bạn. Theo Du học |